Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cổ vũ cải cách dạy và học sử

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 

Quỹ Phát triển sử học Việt Nam (thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) ra đời với số vốn pháp định ban đầu là 4 tỷ đồng. Bốn tỷ đồng là món tiền nhỏ cho một kỳ vọng lớn: Thay đổi nhận thức của toàn bộ xã hội về môn sử. Quỹ Phát triển sử học Việt Nam (Quỹ) sẽ góp phần đào tạo nhân tài sử học cho đất nước, thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà. Nhân dịp ra mắt Quỹ, Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (Hội), đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

 

GS Phan Huy Lê

PV: Kính thưa giáo sư, xin ông cho biết Quỹ ra đời trong hoàn cảnh nào?
GS Phan Huy Lê: Thật ra ý tưởng về thành lập Quỹ đã có cách đây khoảng 10 năm trước nhưng đến gần đây mới thực hiện được. Lý do vì Hội không có kinh phí. Nhân đây chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có sự giúp đỡ rất lớn trong việc vận động thành lập Quỹ. Hơn nửa số vốn chúng tôi có đều là do các đồng chí giúp đỡ vận động.
Còn hoàn cảnh ra đời là sau khi có “sự cố” hàng nghìn điểm “không” môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua.
PV:Thưa giáo sư, sự cố đó thực là hiện tượng không bình thường, ông có thể lý giải thế nào về hiện tượng này?
GS Phan Huy Lê: Học sinh không yêu môn sử, không chịu học môn sử đó là lỗi của người lớn chúng ta. Và trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục nói chung và môn sử nói riêng. Chúng ta chưa hiểu lớp trẻ, chưa xác định rõ vị trí môn sử so với các môn học khác. Điều này tôi vẫn khẳng định từ trước đến nay. Hãy thử nhìn vào chương trình dạy sử cấp phổ thông. Chương trình dạy sử quá nặng vào các cuộc kháng chiến, trong khi đó phần lịch sử về kinh tế, văn hóa, xã hội, cộng đồng, con người, chưa chiếm một tỉ lệ thích đáng. Chương trình có xu hướng nhồi nhét, đánh đố trí nhớ. Đối với sự việc nhớ là cần thiết, nhưng đó là cách nhớ thấm vào tâm trí một cách tự nhiên.
PV:Vậy thưa giáo sư, chúng ta cần làm thế nào để thay đổi tình trạng này?
GS Phan Huy Lê: Trước hết là về nhận thức. Thứ nhất: Vị trí của môn sử phải được coi là một trong những môn học chính. Thực tế thì hầu như các nước phát triển trên thế giới đều coi như vậy. Thứ hai: Xác định rõ mục đích, yêu cầu dạy sử ở cấp học phổ thông. Nếu ta coi trọng việc giáo dục truyền thống dân tộc thì nên nhìn nhận lại mục tiêu này. Chúng tôi cho rằng phải thay đổi về căn bản, toàn diện, triệt để phương pháp dạy sử. Trong đó việc thay đổi giáo trình, sách giáo khoa là cốt lõi.
Tiết học sử tại trường THCS Minh Khai, Hà Nội
PV:Có một ý kiến hỏi rằng tại sao Hội không đề xuất với Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận hành nghề cho giáo viên dạy sử?
GS Phan Huy Lê: Đây là một ý kiến thú vị và thực tế việc này cũng đã từng thấy ở một số nước trên thế giới. Có thể trong tương lai Hội cũng sẽ đề xuất với Chính phủ xem xét vấn đề này. Thực tế cho thấy hoạt động dạy môn Lịch sử cũng còn nhiều bất cập, song việc nâng cao chất lượng dạy cũng còn phải phụ thuộc vào chương trình đào tạo. Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung vào việc cố vấn cho chính phủ về cải cách giáo trình môn sử.
PV: Việc cho ra đời Quỹ có nhằm mục đích thay đổi việc dạy và học sử hiện nay không?
GS Phan Huy Lê: Quỹ không thể và không có trách nhiệm thay đổi tình trạng này nhưng qua các hoạt động của Quỹ chúng tôi xác định mục tiêu động viên, cổ vũ, khuyến khích học sử, giúp người ta yêu môn sử hơn thông qua các giải thưởng, học bổng, hoạt động hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên Quỹ cũng sẽ phối hợp với Hội để tổ chức các hoạt động Hội thảo, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với những cá nhân, cơ quan có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc với những người chủ trì biên soạn sách giáo khoa, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tiến tới cải cách căn bản toàn bộ hệ thống, phương pháp dạy và học sử.
PV: Được biết hiện nay Hội có hai giải thưởng là Phạm Thận Duật và Trần Văn Giàu, liệu rằng việc Quỹ cho ra đời thêm các giải thưởng nữa có bị chồng chéo, “lấn sân” nhau không?
GS Phan Huy Lê: Giải thưởng Phạm Thận Duật do hậu duệ cụ Phạm lập ra chỉ trao cho những luận án xuất sắc và được Hội đồng giải xét thưởng. Giải thưởng của GS Trần Văn Giàu chỉ dành cho các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tư tưởng triết học khu vực miền Nam. Hai giải thưởng này được trao thường niên dành cho đối tượng nghiên cứu. Chúng tôi dự định trao thưởng của Quỹ khoảng 2, 3 năm một lần, đối tượng xét giải rộng hơn, có thể dành cho cả sinh viên và nghiên cứu sinh có các luận án xuất sắc.
PV: Những hoạt động đầu tiên của Quỹ là gì, thưa giáo sư?
GS Phan Huy Lê: Ban giám đốc Quỹ đang triển khai kế hoạch hoạt động ngay trong năm học 2011-2012. Quỹ dự định sẽ cấp học bổng cho các sinh viên đỗ thủ khoa chuyên ngành lịch sử ở các trường đại học, cao đẳng; trao giải thưởng cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học bảo vệ luận án loại xuất sắc chuyên ngành lịch sử; thành lập các hội đồng chuẩn bị hồ sơ, xem xét và trao giải thưởng cho các công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị cao vào năm 2015. Ngoài ra Quỹ sẽ sử dụng nguồn lãi tín dụng để hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh vượt khó học tập tốt; hỗ trợ tài chính cho các tác giả có công trình được đánh giá cao nhưng chưa có điều kiện để in ấn, phát hành… Công việc trước mắt là khá bận rộn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
  Theo Lê Đông Hà
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)