Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Cờ vua: Có thể phát triển tốt thành môn thể thao học đường?

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, phát triển các môn thể thao học đường luôn được ngành thể thao TP.HCM cũng như thể thao cả nước quan tâm và luôn xác định đó là một chủ trương hết sức đúng đắn. Theo đó, các liên đoàn thể thao, hiệp hội thể thao trong cả nước đã thể hiện thành nghị quyết, phương hướng hoạt động trong từng nhiệm kỳ. Các ứng cử viên của ghế chủ tịch liên đoàn thể thao như bóng đá, bóng bàn, bơi lội…cũng đều xem đây là tiêu chí để thắng cử. Nhưng thực tế, thể thao học đường vẫn chưa thể xác định rõ và cất cánh. Vì sao?

Trong khi nhiều người cho rằng có khá nhiều môn thể thao phù hợp và có thể phát triển tốt ngay từ học đường vì điều kiện sân bãi, nhà thi đấu, ít tốn kém khi đầu tư ban đầu, dễ quản lý và tổ chức các giải đấu; trong cùng một diện tích phù hợp với nhà trường có thể tham gia tập luyện nhiều học sinh cùng lúc…. Tuy nhiên, chúng tôi đã có dịp ghi nhận từ các chuyên gia ở một số môn thể thao được xem là phù hợp với học đường thì hầu hết cho rằng, thể thao học đường ở VN (cụ thể là ở TPHCM) chắc khó trở thành hiện thực bởi lẽ, quỹ đấy xây trường ngày càng hiếm hoi, đội ngũ thầy cô giáo môn thể chất ít, ngân sách phát triển cho thể thao học đường không đủ…
Nhưng, cũng có các ý kiến cho rằng, so với tiêu chí để xây dựng và phát triển một môn thể thao học đường như trên còn khó khăn, thì Cờ vua lại rất phù hợp với nhà trường. Bởi, cờ vua dễ đầu tư và phát triển; các em học sinh có thể tiếp cận với môn thể thao này từ sớm (5 tuổi), cờ vua còn giúp các em có tư duy cao, góp phần rèn luyện sức khoẻ để học tập tốt, hạ tầng lại không cần đầu tư nhiều mà cùng lúc nhiều em vẫn có thể tập luyện và thi đấu tốt.
PV báo Giáo dục Online TPHCM đã có dịp trao đổi nhanh với các VĐV Đại kiện tướng quốc tế – Lê Quang Liêm – vô địch giải Cờ vua nhanh thế giới và các kiện tướng quốc tế môn Cờ vua về nhận định này:
Đại kiện tướng quốc tế, VĐV Lê Quang Liêm:
Theo tôi, các điều kiện cần là cờ vua VN phải có chương trình đào tạo bài bản, thống nhất về tiêu chuẩn; có đội ngũ huấn luyện viên kinh nghiệm, tâm huyết, có nhiều VĐV chuyên nghiệp và đẳng cấp cao. Cái này cũng phải trải qua một quá trình dài để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ HLV, VĐV. Việc các trung tâm huấn luyện cờ vua tư nhân thành lập trong thời gian gần đây là một bước đi đúng hướng và thể hiện rõ tiềm năng tương lai của môn cờ vua.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ, các điều kiện đủ để Cờ vua phát triển mạnh mẽ, đó là: Cờ vua cần nhận được sự quan tâm và đầu tư đúng mức của ngành thể thao. Ví dụ: Đưa cờ vua trở thành môn thể thao trọng điểm; tạo điều kiện cho VĐV được thi đấu thường xuyên và tập huấn trong ngoài nước; chăm lo về cuộc sống cho HLV, VĐV trong và sau sự nghiệp thi đấu để họ an tâm cống hiến. Đặc biệt, cần phải đưa cờ vua thành môn học ngoại khoá ở trường học – vừa để phát triển tư duy, vừa có thể phát hiện nguồn lực từ thể thao phong trào. Song song đó, cần có thêm sự góp sức từ xã hội, các doanh nghiệp (tổ chức các giải cờ quốc tế), sự động viên của người hâm mộ…
Do đó, theo tôi, sự ra đời của các trung tâm đào tạo cờ vua trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến việc đào tạo các VĐV trẻ năng khiếu, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về môn thể thao trí tuệ này – dễ chơi và nhiều lợi ích.
Kiện tướng quốc tế, nữ VĐV Phạm Lê Thảo Nguyên: 

Thảo Nguyên (bìa trái)

Theo tôi, để môn cờ vua phát triển rộng trong trường học nhằm tạo nền móng cơ bản tốt thì cần phải có cả chất và lượng. Lượng thì nằm ở mảng phong trào, cờ vua được nhiều người biết, nhiều người chơi. Nếu cờ vua được truyền bá sâu rộng thì sẽ có điều kiện phát hiện nhiều nhân tài hơn; Chất thì nằm ở thi đấu đỉnh cao, dĩ nhiên là bao gồm HLV và điều kiện cọ xát (thi đấu). Tuy nhiên, việc này thì dính tới vấn đề kinh phí nhưng cũng không thể cứ nhờ vào bao cấp mà rất cần sự tham gia tài trợ từ các doanh nghiệp.
Kiện tướng quốc tế, VĐV Lê Quang Long (anh trai của Đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm):
Theo tôi, có 4 yếu tố chính:
1. Có kỳ thủ có thành tích cao để tạo động lực cho phong trào
2. Có phong trào rộng và mạnh trong nhà trường
3. Có sự quan tâm của xã hội, sự tham gia tài trợ từ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế
4. Có tiếp xúc thường xuyên với cờ vua thế giới, tổ chức nhiều giải quốc tế; các tài liệu và sách cờ vua
được xuất bản hoặc phổ biến nhiều…
Kiện tướng quốc tế, VĐV Nguyễn Huỳnh Minh Huy:
Cần có đội ngũ HLV có trình độ, và cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Cần nhiều giải thi đấu, hệ thống phát triển VĐV và đặc biệt rất cần có sự tham gia tài trợ từ doanh nghiệp thì mới có thể phát triển nhanh và rộng môn cờ vua, đặc biệt trong học đường…
Kiện tướng FIDE, VĐV Trần Thanh Tú:
Ngoài các yếu tố trên cờ vua VN phải tạo ra được sự tương tác nhiều hơn giữa cờ vua đỉnh cao với cộng đồng thông qua các sự kiện như đấu đồng loạt, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí về cờ vua và trí tuệ gần gũi với công chúng hơn.
 

Quang Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)