Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cô y tá của Người đẹp Tây Đô: Kỳ cuối: Hành trình tìm bốn người em

Tạp Chí Giáo Dục

Ít ai biết được người phụ nữ quả cảm ngày nào đã chịu nhiều đau thương, mất mát. Chị Lê Ánh Hồng lận đận cả trong và sau chiến tranh. Nỗi niềm của chị làm tôi liên tưởng đến cuộc đời của “Người đẹp Tây Đô” Lâm Thị Phấn.
Người mẹ bất đắc dĩ
Ngày tháng cô bé Hồng vừa đi học vừa tham gia đào địa đạo, ba mẹ đi biền biệt ở chiến trường, một mình chị chăm lo cho bốn đứa em. Ba chị, liệt sĩ Lê Văn Sấm (nguyên Trưởng ban An ninh T4 thuộc Ban Binh vận TW Cục miền Nam, sau này là Ban Liên lạc TW Cục miền Nam). Năm 1958, trên đường đi công tác, ông bị bắn gãy xương đùi. Dù vết thương nặng nhưng ông vẫn cố chống cự quyết liệt với mấy tên chỉ điểm. Chị nhớ như in hình ảnh người cha bê bết máu, cố gắng lê từng bước chân đi tìm con. Bên ngoài cửa lớp học, ông nói không thành tiếng nhưng chị vẫn kịp nghe giọng ba thì thào: “Chắc ba không qua khỏi. Con và mẹ thay ba chăm sóc các em, tụi nó còn nhỏ lắm. Sau này lớn lên nhớ tham gia cách mạng để trả thù cho ba, nghe con”. Ba mất. Chị thấy đất trời như đảo lộn. Chị lịm đi.
Mẹ chị, liệt sĩ Trần Thị Ích (nguyên Cụm trưởng Cụm giao liên T4), hy sinh năm 1972. Lúc đó chị ở đơn vị, không được nhìn mẹ lần cuối. Sau này mới nghe đồng đội của mẹ kể lại sự tình. Lần ấy, mẹ chị đi công tác bất cẩn lộ bí mật và bị bắt tra tấn liên tiếp trong nhiều ngày đến tàn tạ. Sợ bà chết không thể tìm được manh mối của ta nên địch đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy để cứu chữa. Chị có người cậu cũng tham gia cách mạng. Hay tin mẹ chị bị thương nặng, ông đến tìm cách đưa bà trốn khỏi bệnh viện. Phương án đã có, ông chỉ chờ đêm xuống là thực hiện nhưng vì di chứng tra khảo, sức khỏe yếu nên mẹ chị không qua khỏi.
Hay tin mẹ mất, chị xin phép đơn vị về quê nhà ở xã Tân Hòa Đông, huyện Củ Chi thắp nén hương. Mộ mẹ chị nằm đó, cỏ vừa nhú xanh. Nỗi đau mất cha chưa kịp nguôi ngoai, nỗi đau mất mẹ lại ập đến. Thời gian này với chị còn khó khăn hơn cả sáu tháng nằm viện cùng độc nhất một bộ đồ rách. Về đến căn nhà dấu yêu của mình, phía trước thấy dán dòng chữ: “Gia đình có liên quan đến Việt Cộng”, lòng chị sục sôi căm thù giặc. Lúc này chị rất lo cho các em thơ dại, không biết chúng sẽ nương tựa vào ai?
Lặn lội khắp nơi, từ Bến Đình sang An Nhơn Tây rồi về Tân Vạn, gặp ai chị cũng nhờ vả, hỏi thăm. Tìm kiếm vô vọng, nhiều khi mệt quá, chị ngất đi lúc nào không biết. Gần tháng sau, chị tìm được các em của mình. Thằng Ba, con Tư, thằng Năm đây rồi, còn đứa Út đâu? Hay tin, đứa Út chạy một mạch từ Bến Đình về nhà. Nó ôm chầm lấy chị, rơm rớm nước mắt. Cả bốn người em đều không nghĩ có ngày chị Hai trở về. Không cha, không mẹ nhưng chúng vẫn ngoan, biết tự đi làm để mưu sinh với đủ nghề, từ bán kem, phụ hồ, đến giúp việc cho người ta… Gia đình đoàn tụ chưa được bao lâu, chị lại đưa các em vô rừng, tản ra mỗi người một nơi hoạt động bí mật. Theo con đường cách mạng, bốn người em trưởng thành từ sự dìu dắt của chị và đồng đội ở các chiến khu. Chị trở thành người mẹ bất đắc dĩ của họ.
Tình yêu đầu chưa hợp đã tan
Tình yêu đầu đời của chị dù không mãnh liệt nhưng cũng đẹp tựa tranh vẽ, có điều bức tranh ấy còn dở dang. Năm ấy, chị ở độ tuổi trăng tròn. Thiếu úy biệt kích ngụy Nguyễn Dũng Tiến (người của ta cài vào) chết mê chết mệt ngay lần đầu gặp chị trên đường hành quân. Có cảm tình với anh nhưng chị chỉ để trong lòng, ngày thương đêm nhớ. Anh cũng thế, xa nhau thì nhớ, gần lại ngại ngùng. Ngày về phép, anh có kể về chị cho mẹ anh nghe. Mẹ anh cũng đã tìm đến nhà chị để hỏi mẹ chị bỏ rượu. Mẹ chị chỉ nói, tụi nó giờ mỗi đứa mỗi nơi, biết đâu mà hứa với hẹn. Nói thì nói vậy nhưng người lớn đã nhận dâu, rể cả rồi và chỉ mong đến ngày hòa bình.
Chị gặp anh lần cuối vào ngày đơn vị chị tổ chức cuộc thi bắn súng. Đó là năm 1970, anh từ đơn vị lên thăm. Hai mái đầu dưới ánh trăng vằng vặc, lời yêu chưa kịp gửi trao thì ngay trong đêm hôm đó, anh phải theo đoàn hành quân về Dĩ An. Chị cũng xuống đường rồi bị thương. Hai người đã cách xa lại càng cách xa hơn khi chị chuyển về bệnh viện ở đơn vị để điều trị. Đêm ấy, anh đã hy sinh. Tình yêu của hai người chưa hợp đã tan.
Đất nước hòa bình. Chị lập gia đình và có bốn người con. Người đi làm đồng lương đủ trang trải cơm ngày hai bữa. Người ra trường nhiều năm vẫn chưa có việc làm. Hình ảnh của chị, người chiến sĩ cách mạng kiên trung có lúc bị mờ đi trong mắt một số người. Chị nhận thấy điều đó nhưng không bao giờ nói ra. Một số đồng đội cũ hỏi thăm gia cảnh, công việc của các con, chị trả lời: “Các cháu đã học xong, đi làm rồi” cho xong chuyện. Chị cũng không muốn nhờ vả ai. Nổi tiếng cứng rắn nhưng cũng có lúc, chị buồn đến khóc. Chị khóc cho số phận mà ông trời đã định. Cũng giống như mẹ Phấn, là người đẹp đất Tây Đô nhưng đường tình duyên lận đận. Còn chị là hoa khôi của đơn vị, cuộc đời cũng lắm đỗi truân chuyên.
Sau ngày giải phóng, cái tên Lê Ánh Hồng không được nhắc đến nhiều. Mẹ Phấn viết hồi ký về đời mình có ý định đề cập đến chị nhưng chị không ưng. Tuổi trẻ của chị đã gửi lại nơi rừng thẳm và bắt đầu cuộc sống mới với biết bao gian khó, đến nay vẫn thế. Gia cảnh không mấy khá giả nhưng cứ đến ngày nhận tiền trợ cấp thương binh, chị lại lên đường đi giúp đỡ con, cháu của đồng đội. Tình nguyện chăm sóc cho thương binh, liệt sĩ già yếu, không còn người thân là công việc đem lại nguồn vui sống cho cô y tá ngày nào.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Chị Lê Ánh Hồng xúc động khi kể lại cuộc đời mình
Chị Hồng tâm sự: “Chiến tranh ác liệt nhưng mình còn sống đã là may mắn hơn nhiều người. Mình còn sống thì hãy làm điều gì đó có nghĩa”.
 

Bình luận (0)