Viết thư tình nguyện vào trận tuyến bằng máu, nhận nhiệm vụ gùi cõng hàng hóa, làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho hàng chục chuyến xe vượt cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại đoạn đi qua đèo Đá Đẽo dày đặc đạn bom thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đinh Thị Thu Hiệp đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa thời chiến lẫn thời bình!
Nữ Anh hùng LLVTND Đinh Thị Thu Hiệp
1.Bước qua tuổi 73, nữ Anh hùng LLVTND Đinh Thị Thu Hiệp khá gầy yếu nhưng gương mặt luôn toát lên vẻ lạc quan. Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), câu chuyện về nữ anh hùng từng bước qua lằn ranh sinh tử của hòn tên mũi đạn cuốn chúng tôi ngược về quá khứ của những năm tháng chiến tranh.
Đinh Thị Thu Hiệp sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con tới 7 chị em. Nhìn bạn bè trang lứa lên đường nhập ngũ, góp công giải phóng quê hương, Thu Hiệp viết đơn bằng máu của chính mình xin được kết nạp vào đội hình TNXP. Tâm nguyện ấy được chấp thuận. Thu Hiệp được phân công làm Tiểu đội trưởng – Tiểu đội 4 – Đội 35 TNXP, sát cánh cùng bộ đội, ngày đêm bám trụ chiến đấu với các loại máy bay hiện đại của không lực Hoa Kỳ ở đèo Đá Đẽo – con đèo nối giữa huyện Bố Trạch và huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
“Ngày đó, đèo Đá Đẽo được xem là yết hầu của tuyến chi viện chiến lược 15A vào Nam. Chặt đứt được tuyến đường qua đèo Đá Đẽo sẽ làm tê liệt toàn tuyến nên địch tập trung đánh phá. Suốt 7 năm trời, vùng đèo Đá Đẽo không một ngày bình yên. Máy bay rải bom quần đảo trên bầu trời, trút từng loạt bom như mưa, phía biển pháo từ ngoài hạm đội bắn vào. Cung đường đèo bị băm nát bởi sức công phá của hàng ngàn tấn bom đạn”, Thu Hiệp nhớ lại. Từ năm 1967, không quân Mỹ thực hiện chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng, thả bom vùi lấp đèo Đá Đẽo. Với tinh thần “máu có thể đổ, đường không thể tắc”, Thu Hiệp cùng đồng đội không chùn bước, bám sát mặt đường từng giờ.
2.Cuối năm 1967, khúc cua 516+300 phía Tây đèo Đá Đẽo thường xuyên bị nổ tung bởi những quả bom nổ chậm, nhiều đồng đội của Thu Hiệp đã ngã xuống trên cung đường này. Là người dạn dày và gan lỳ nhất, Thu Hiệp nhận nhiệm vụ chốt giữ trọng điểm này để đảm bảo thông tuyến nhanh nhất cho xe ra tiền tuyến.
Gần Tết Mậu Thân 1968, một đoàn xe chở hàng ra mặt trận không thể thông đường do vướng bãi bom ở chân đèo. Trong khi chiến trường lại đang hết sức cần lương thực, đạn dược tiếp viện thì Thu Hiệp xung phong biến mình thành “cọc tiêu sống” để dẫn đường cho xe ra tiền tuyến. “Nếu anh em lái xe quyết tâm thì tôi sẽ đưa các anh qua”, Thu Hiệp rắn rỏi. Sau phút giây ngỡ ngàng trước quyết tâm của người đồng đội bé nhỏ, những người lính lái xe gật đầu đồng ý. Những chuyến xe từ từ lăn bánh dựa vào bóng dáng nhỏ của Thu Hiệp giữa những bãi bom. Đường đi dích dắc, ai cũng thót tim bởi ai cũng hiểu rằng, chỉ cần một va chạm nhẹ khiến một quả bom phát nổ thì tạo ra hiệu ứng nổ bom dây chuyền, tổn thất về hàng hóa và con người sẽ rất lớn. Không ai dám tin “cọc tiêu sống” Thu Hiệp có thể dẫn xe qua an toàn, nhưng điều đó đã trở thành sự thật, chiếc xe thứ 20 trong đoàn xe đã an toàn vượt ngưỡng tử thần để vào Nam. Hỏi bà có giây phút nào chùng lòng trước lằn ranh sinh tử không? Bà Hiệp cười hiền: “Lúc đó mình chỉ nghĩ đến những đồng đội đang chờ đợi tiếp tế lương thực, đạn dược ở tiền tuyến và cứ thế tìm cách nào đó cho nhanh nhất”.
Năm 1972, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hòa bình, bà trở về thôn Ba Nương tiếp tục cuộc sống với công việc ruộng vườn, đồng áng. Rồi bà lập gia đình, 4 đứa con lần lượt chào đời trong niềm hạnh phúc. Bà Hiệp bấm đốt ngón tay hồ hởi: “Chừ tui có tới 10 đứa cháu và 1 chắt rồi. Cứ lễ, Tết chúng đều kéo về thăm rất vui và hạnh phúc”. Ở vào tuổi 73 khi sức khỏe không còn tốt, bà quẩn quanh với mảnh vườn nhỏ làm khuây. Thi thoảng, có những đoàn học sinh tìm đến nhà bà nghe bà kể những câu chuyện “một thời bom đạn” và răn dạy các cháu về giá trị hòa bình.
Sống trong căn nhà tình nghĩa do các đồng đội và cơ quan, tổ chức xây tặng và đồng lương hưu với Anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp ngần ấy đã quá đủ đầy. Bà nói: “Đất nước đã hòa bình đã 44 năm rồi, tôi rất vui khi nhìn thấy cuộc sống ngày càng phát triển đi lên. Được sống, được trở về, được chứng kiến đất nước mình đổi thay đã là quá hạnh phúc. Đâu đó trên cung đường Trường Sơn này và nhiều mặt trận khác, đồng đội của tôi vẫn chưa về. Mình phải sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)