Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“CODA”: Khi con tim lên tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

Chiến thắng toàn bộ 3/3 đề cử tại đêm trao giải Oscar lần thứ 94, trong đó có hạng mục Phim hay nhất, "CODA" mang đến nhiều cảm xúc khi nói về tình yêu của một gia đình bất toàn.

Hiện tại hay tương lai?

CODA – viết tắt của “child of deaf adults”, ngầm chỉ những đứa trẻ bình thường được nuôi dạy bởi một gia đình khiếm thính. Được nữ nhà văn – đạo diễn người Mỹ Sian Heder làm lại từ phiên bản năm 2014 của Pháp, CODA kể về Ruby (Emilia Jones thủ vai), sinh ra và lớn lên trong một gia đình đặc biệt, cha mẹ và anh trai đều là người khiếm thính. Ngay từ nhỏ, cô đã là thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu bất đắc dĩ. Khi trưởng thành, những định hướng riêng cho tương lai càng đặt thêm gánh nặng vô hình lên cô gái nhỏ.

Ước muốn của Ruby là được theo học tại trường Nghệ thuật Berklee. Nếu theo đuổi ước mơ, Ruby sẽ không thể ở lại giúp đỡ gia đình, nhưng nếu chọn ngược lại, Ruby sẽ xung đột với chính mình.

 CODA đã thắng toàn bộ 3/3 đề cử tại đêm trao giải Oscar

CODA đã thắng toàn bộ 3/3 đề cử tại đêm trao giải Oscar

Là người khiếm thính, cha mẹ Ruby đầy hoài nghi về ước mơ của con gái. Hơn nữa, công việc kinh doanh của gia đình vừa mới khởi phát, rất cần có sự trợ giúp của Ruby. Đứng trước ngã ba, một bên là công việc giúp nuôi sống gia đình, một bên là mơ ước được ca hát, nhưng ba thành viên còn lại đều không thể nghe, Ruby sẽ phải chọn con đường nào? 

Đạo diễn Sian Heder kể câu chuyện về một gia đình bị thử thách bởi những kỳ thị, xa lánh; nhưng vẫn tràn đầy tình yêu và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Trong đêm trao giải, CODA cũng đã giành chiến thắng ở hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất tại Oscar, vượt qua đối thủ nặng ký The power of the dog.

Cảm xúc ấm áp 

Được kể qua góc nhìn của một cô bé 17 tuổi, CODA không hướng câu chuyện theo hướng bi kịch. Mọi biến cố, bất trắc xảy đến với nhà Rossi được nhìn dưới lăng kính nhẹ nhàng, đôi khi có chút hóm hỉnh. Dõi theo quá trình trưởng thành của một người trẻ, CODA cũng phác họa những gì mà một thanh thiếu niên lớn lên trong một gia đình “không bình thường” phải chịu. Song song với Ruby, bộ phim cũng khắc họa tình yêu đầu đời của cô, Miles, một anh chàng những tưởng có gia đình êm ấm, nhưng không hạnh phúc. Hai người trẻ ấy tin tưởng và chữa lành cho nhau, trước chông chênh của ngưỡng trưởng thành. 

Cảnh phim để lại nhiều cảm xúc nhất có lẽ là khi gia đình Ruby được mời đến nghe buổi trình diễn nghệ thuật ngoại khóa. Không thể nghe Ruby hát, người thân của cô chỉ có thể quan sát phản ứng của khán giả với phần trình diễn của Ruby. Đạo diễn Sian Heder đã làm mất tiếng ở cảnh quay này, để khán giả thêm đồng cảm với những gì mà nhà Rossi cảm nhận, khi chỉ có thể đoán định qua phản ứng của người khác.

Và dưới bầu trời sao, cha Frank đã yêu cầu Ruby hát lại lần nữa để cảm nhận cảm xúc thông qua rung động ở cổ cô bé. Cho con đi học hay thuyết phục con ở lại? Từ bỏ ước mơ hay để người thân tự xoay xở với “thế giới bên ngoài”? Điều gì sẽ chiến thắng ở gia đình ấy?

CODA khép lại bằng một cái ôm thật chặt. Bộ phim đã thắp nên những cảm xúc ấm áp của sự sẻ chia, của tình yêu gia đình và sự đồng cảm, thấu hiểu. Thành công của bộ phim đến từ kịch bản chặt chẽ, mạch lạc. Nội dung không mới và có thể đoán trước, nhưng cảm xúc và nhiều hy vọng khi phim kết thúc là điều đọng lại lâu nhất trong mỗi người xem.

Những yếu tố làm nên thành công

Thành công của CODA một phần nằm ở dàn diễn viên đặc biệt. Cả ba diễn viên trong nhà Rossi đều là người khiếm thính ngoài đời thực. Trong đó, Marlee Matlin đã từng chiến thắng hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở giải Oscar 1986 cho phim Children of a lesser god. Cô là diễn viên khiếm thính duy nhất làm được điều này. 

Troy Kotsur trong vai người cha cũng đã trở thành nam diễn viên khiếm thính đầu tiên chiến thắng Oscar

Troy Kotsur trong vai người cha – nam diễn viên khiếm thính đầu tiên chiến thắng Oscar

Với chiến thắng mới nhất, nam phụ Troy Kotsur trong vai người cha cũng đã trở thành nam diễn viên khiếm thính đầu tiên chiến thắng Oscar. Âm nhạc trong phim cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng, với bài hát chủ đạo Both sides, now của Joni Mitchell. Ngoài ra, tiếng cười xuyên suốt mạch phim cũng được khéo léo đan cài, tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp không quá bi kịch.

CODA là một bất ngờ lớn ở Oscar lần thứ 94, bởi trước đêm trao giải, The power of the dog mới là cái tên nổi bật nhất. Trước đó, bộ phim cũng lập kỷ lục với số tiền chuyển nhượng khi được Apple+ mua bản quyền tại Liên hoan phim Sundance. 

Theo Thuận Phát/PNO

 

Bình luận (0)