Hơn 10.000 cán bộ quản lý, giáo viên tại TP.HCM đã được tập huấn sách giáo khoa (SGK) lớp 3 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức SGK, chương trình tập huấn còn trang bị cho giáo viên cách thức tổ chức dạy học linh hoạt trong bối cảnh chuyển đổi từ trực tuyến sang trực tiếp, giúp thầy cô tự tin và giảm áp lực khi đứng lớp.
Hơn 10.000 cán bộ quản lý và giáo viêu tiểu học tại TP.HCM vừa được tập huấn sách giáo khoa lớp 3
Giúp giáo viên tự tin hơn
Ngay sau khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 3 sử dụng trong các cơ sở giáo dục tiểu học từ năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT TP.HCM đã làm việc với các nhà xuất bản (NXB) để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 3. Việc bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bà Lâm Hồng Lãm Thúy (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) thông tin, việc bồi dưỡng trực tiếp được thực hiện đối với 12/20 bản sách của NXB Giáo dục Việt Nam ở các môn toán, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội, đạo đức, hoạt động trải nghiệm, âm nhạc, mỹ thuật (2 bản), giáo dục thể chất, tin học, công nghệ, tiếng Anh. Tổng số lớp bồi dưỡng trực tiếp lên tới 412 lớp với 6.235 cán bộ quản lý và giáo viên. Ngoài ra, hình thức bồi dưỡng trực tiếp cũng được áp dụng với 1 bản sách của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM ở môn tiếng Anh với tổng số 721 cán bộ quản lý và giáo viên tham gia. Riêng hình thức bồi dưỡng trực tuyến được triển khai với 8/20 bản sách của NXB Giáo dục Việt Nam ở các môn toán, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội, đạo đức, hoạt động trải nghiệm, âm nhạc, công nghệ, tiếng Anh; 2/2 bản sách của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM đối với môn giáo dục thể chất và tiếng Anh; 1/1 bản sách của NXB Đại học Huế với môn tin học. Tổng số lớp bồi dưỡng trực tuyến là 11 lớp với gần 200 cán bộ quản lý và giáo viên tham gia. “Hơn 10.000 cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học đã được tập huấn SGK lớp 3. Qua chương trình, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nghe các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả và đội ngũ báo cáo viên chia sẻ về quan điểm biên soạn, cấu trúc sách và cấu trúc bài học, nội dung dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học và phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, các cán bộ quản lý, giáo viên cũng được thực hành xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện kiểm tra, đánh giá để công nhận kết quả bồi dưỡng, từ đó giúp thầy cô tự tin hơn trong quá trình đứng lớp, mạnh dạn hơn nữa trong đổi mới khi thực hiện chương trình”, bà Thúy cho biết.
Từ thực tế sau 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại đơn vị, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.Thủ Đức nhận định, đa phần giáo viên đã rất mạnh dạn, tự tin đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ thầy cô chưa thoát ly khỏi tư tưởng cũ, lệ thuộc vào SGK, đánh giá học sinh còn cảm tính. Khi được tập huấn bồi dưỡng về SGK, được trao đổi trực tiếp với các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả viết sách, giáo viên cùng nhau thảo luận nhóm, xây dựng kế hoạch bài dạy và trình bày. Những thắc mắc của giáo viên được giải đáp ngay, qua đó thầy cô rút kinh nghiệm và nâng cao hơn năng lực thiết kế bài học, triển khai hoạt động, xây dựng hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp, chuẩn bị tốt hơn nữa khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3. “Nhà trường luôn trao quyền để giáo viên đổi mới, mạnh dạn đổi mới. Sự chủ động của thầy cô vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của chương trình mới, nhất là sau một năm học chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19”, hiệu trưởng này khẳng định.
Điều chỉnh để giáo viên, học sinh bớt áp lực
TP.HCM là địa phương có lộ trình chuẩn bị đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất tốt khi số cán bộ quản lý, giáo viên tập huấn luôn dôi dư 20% so với số lượng thực dùng của năm học. Lộ trình sắp xếp giáo viên ở mỗi nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được thiết kế một cách hợp lý nhất, ưu tiên giáo viên trẻ. Dù vậy, sau 2 năm triển khai, TP.HCM vẫn gặp một số rào cản như sĩ số học sinh/lớp ở một số trường còn cao; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp ở một số địa phương; trang thiết bị chưa có sự đồng đều…, gây khó khăn khi thực hiện chương trình mới. Cạnh đó, hạn chế còn gặp phải ở một bộ phận nhỏ giáo viên vẫn chưa thực sự thoát ly ra ngoài SGK.
Giáo viên thảo luận nhóm, xây dựng kế hoạch bài dạy… trong chương trình tập huấn
TS. Trịnh Cam Ly (Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 3, bộ Chân trời sáng tạo) cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh tiểu học phải học trực tuyến trong thời gian rất dài cũng ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chương trình mới. Công tác tập huấn SGK và chương trình ở một số module phải chuyển sang hình thức trực tuyến, trở thành rào cản cho giáo viên. “Chương trình mới bên cạnh việc xây dựng thiết kế nội dung học tập thì tác động chủ yếu vẫn là tác động từ phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Năm nay, với hình thức tập huấn trực tiếp, thầy cô phấn khởi hẳn vì được hỏi, được chia sẻ, tương tác nhiều”, TS. Ly nhìn nhận.
Trong bối cảnh học sinh lớp 2 phải học trực tuyến kéo dài trong năm học 2021-2022, để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, TS. Ly cho hay, trọng tâm của chương trình tập huấn SGK lớp 3 còn trang bị cho giáo viên cách thức tổ chức dạy học linh hoạt trong bối cảnh chuyển đổi từ trực tuyến sang trực tiếp. Ngoài tập huấn đúng mục tiêu yêu cầu cần đạt của sách, chương trình, nội dung tập huấn còn chú trọng đến hoạt động dạy, hướng dẫn giáo viên điều chỉnh về yêu cầu cần đạt, về phương pháp, kỹ thuật tổ chức, điều chỉnh về đánh giá, giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn và bớt áp lực trong dạy học. Cụ thể, yêu cầu cần đạt ở năm học lớp 3 được điều chỉnh sao cho phù hợp với năng lực học sinh phải học trực tuyến kéo dài trong năm học trước. Giáo viên được hướng dẫn chia nhỏ các chặng đánh giá và giảm yêu cầu cần đạt ở giai đoạn đầu năm lớp 3 giúp học sinh đáp ứng được, các em không cảm thấy yêu cầu cần đạt quá cao hay quá bỡ ngỡ. “Việc điều chỉnh sẽ giúp thầy cô tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3. Ví dụ, chấp nhận tốc độ đọc, viết, nói và nghe của học sinh sẽ chậm hơn so với yêu cầu ở đầu năm lớp 3. Chỉ khi giáo viên không áp lực thì mới không gây áp lực cho học sinh, giúp các em từng bước tiến bộ”, TS. Ly nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)