Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Coi cho biết với người ta”

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện tượng các clip của “giang hồ mạng” được đông đảo người xem và có người cho đó là do sự lệch lạc về “thần tượng” trong suy nghĩ của giới trẻ. Tuy nhiên, theo tôi, nhận định như thế là chưa chính xác lắm bởi người theo dõi các clip ấy ở đủ các lứa tuổi. Tại sao các clip ấy được cả “triệu view”? Phải chăng chỉ vì tâm lý “coi cho biết với người ta?”. Trước đây, để biết một thông tin nào đó, người ta cần có thời gian xem truyền hình, nghe radio, đọc báo hoặc phải ngồi trước máy tính để vào mạng xem. Giờ đây, với chiếc điện thoại thông minh, mọi chuyện muốn biết chỉ cần vài phút. Vậy là từ trường học đến công sở, từ cơ quan đến chợ…, gặp là người ta hỏi nhau về các thông tin đang “hot” trên mạng xã hội. Người nào không biết thì được xem như là chậm nắm bắt thông tin, lạc hậu trong mắt mọi người. Thế là tâm lý “coi cho biết với người ta” nảy sinh. Coi để chê, coi để bình luận sôi nổi với mọi người: “đồ điên”, “lũ trẻ bây giờ hư hỏng quá!”… Coi để chứng tỏ là chuyện gì mình cũng biết. Coi để cho thấy rằng mình cũng nắm bắt thông tin không kém mọi người. Chưa kể coi rồi thông tin cho người khác coi chỉ qua một tin nhắn hay “share” trong một giây để chứng tỏ mình biết nhanh nhất, sớm nhất. Chứ không phải đông đảo người xem các clip là vì thần tượng các “giang hồ mạng” ấy.

Chính tư tưởng “coi cho biết với người ta” đã vô tình “góp tiền” cho các “giang hồ mạng”, góp phần làm cho các thành phần ấy thêm nổi tiếng. Tôi đã nhiều lần bị bạn bè chê vì nắm bắt các thông tin “hot” như thế quá chậm vì chẳng bao giờ tôi đọc hay xem các clip như vậy.

Tôi nghĩ qua hiện tượng “giang hồ mạng” này, cha mẹ, thầy cô và những người lớn hãy chấm dứt ngay việc “coi cho biết với người ta” những thông tin dơ, hình ảnh bẩn để làm gương cho lớp trẻ, để các “giang hồ mạng” không còn cơ hội vừa nổi tiếng, vừa có tiền. Tôi thường bảo các con và học trò của tôi: “Đừng tốn thời gian mà lại còn hại não khi đọc, khi xem những tin tức, hình ảnh xấu xí. Hãy đọc, hãy xem những gì mang đến kiến thức cho bản thân hay cho mình thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống”. Nếu mọi người đều có ý thức đừng “coi cho biết với người ta” thì các “giang hồ mạng” chắc chắn chẳng có cơ hội vẫy vùng.

Lê Phương Trí

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)