Người dùng nên cảnh giác với các mánh khóe lừa đảo trên mạng – Ảnh: Cnet |
Trang tin Cnet hôm 22.11 dẫn nguồn tin từ hãng bảo mật McAfee (Mỹ) cho biết, thời điểm cuối năm với các lễ hội như Giáng sinh, mừng năm mới… chính là lúc bọn tội phạm mạng hoạt động mạnh mẽ nhất. Dưới đây là một số loại hình lừa đảo trực tuyến phổ biến mà người dùng nên biết để không bị mất tiền oan uổng:
1. Lợi dụng từ thiện
Theo hãng McAfee, khách hàng nên cảnh giác với những e-mail mạo danh các tổ chức từ thiện hợp pháp hoặc những e-mail "tràn đầy" xúc cảm để khơi dậy lòng từ bi của bạn. Không nên quá tin tưởng vào những địa chỉ không rõ ràng. Nếu không cảnh giác thì ngoài số tiền bị mất đi oan uổng, bạn còn có nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân rất cao.
2. Giả mạo hóa đơn hoặc các chứng từ dịch vụ
Các tội phạm mạng sẽ gửi đến nhà bạn những hóa đơn giả mạo với lý do các hóa đơn này phát sinh từ các món hàng mà người thân bạn mua chưa thanh toán (qua mạng).
Ngoài ra, chúng còn giả danh các dịch vụ hải quan với thông báo rằng có một món quà được gửi đến nhà bạn, nhưng do trục trặc không thể tới được. Lúc này, chúng sẽ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin thẻ tín dụng cá nhân để thanh toán các chi phí giao hàng.
3. Lợi dụng mạng xã hội
Các tin tặc sẽ lợi dụng các mạng xã hội đang được quan tâm hiện nay như Facebook, Twitter… để gửi các yêu cầu kết bạn hoặc mua hàng trực tuyến trên mạng kèm theo là các liên kết. Nếu không biết chính xác nguồn gốc gửi là ai thì bạn không nên nhấn vào các liên kết lạ này. Vì chúng có thể chứa rất nhiều mã độc và phần mềm nguy hiểm ở bên trong.
4. Cẩn thận với các thiệp mừng điện tử
Nếu bạn nhận được một chiếc e-card (thư chúc mừng), thay vì vui mừng và mở chúng ra liền thì bạn nên cẩn thận và xem kỹ tấm thiệp này do ai gửi. Vì nếu không cảnh giác, máy tính của bạn sẽ bị cài đặt bất hợp pháp những phần mềm độc hại, các pop-up và các hình thức quảng cáo không mong muốn.
5. Cẩn thận với các website bán đồ trang sức
Nếu bạn nhận được một lời mời chào mua các món trang sức đắt tiền mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Cartier, Gucci và Tag Heuer… với giá thật "hấp dẫn" từ các website lạ, thay vì hoàn toàn tin tưởng và "móc hầu bao" để mua chúng, bạn nên kiểm tra rõ giá trị thật của món hàng, tuyệt đối không được nhấn vào các liên kết khai báo thông tin cá nhân từ các website lạ này, vì nó có thể dẫn đến các phần mềm độc hại hoặc món hàng mà bạn mua sẽ chẳng bao giờ đến tay bạn.
6. Cẩn thận với lừa đảo việc làm
Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu vẫn còn rất cao. Chính vì thế có rất nhiều người sử dụng internet để tìm việc làm trực tuyến. Một số kẻ lừa đảo đã lợi dụng điểm này để tạo ra các website giới thiệu việc làm giả mạo, nếu không cảnh giác bạn có thể mất một số tiền oan uổng cho việc thu trước lệ phí giới thiệu việc làm. Ngoài ra, khi đăng ký tại các website này còn gặp nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.
7. Gia tăng công cụ đánh cắp mật khẩu
Theo McAfee, chỉ trong năm nay các phần mềm đánh cắp mật khẩu đã gia tăng gấp 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Một khi các tin tặc đã có được mật khẩu, chúng có thể truy cập dễ dàng vào tài khoản ngân hàng và các thẻ tín dụng của bạn.
8. An toàn khi mua hàng trên mạng
Chỉ nên truy cập vào các website mua bán trực tuyến uy tín, nếu để ý một số trang web có công nghệ bảo mật mới thường sử dụng giao thức https thay vì http. Chữ "s" ở đây chính là viết tắt của chữ "secure" (an toàn).
Thành Luân (Theo TNO)
Bình luận (0)