Nhu cầu vé máy bay dịp Tết Nguyên đán tăng cao nên không chỉ người mua mà cả đại lý bán vé cũng có thể bị lừa.
Tết năm nay anh N.Đ.T (ở Nha Trang) định đưa cả nhà về quê ở Thái Bình. Qua người quen giới thiệu, anh T. đặt mua tại phòng vé Toàn Thắng (trên đường Nguyễn Thiện Thuật, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) 4 vé khứ hồi của một hãng hàng không trong nước từ Nha Trang – Hà Nội ngày 2.2 (nhằm ngày 24 tháng chạp) và Hà Nội – Nha Trang ngày 13.2 (mùng 5 tết) với tổng số tiền 15,1 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó vào diễn đàn các đại lý bán vé máy bay, anh T. thấy một số người khẳng định không thể có giá vé tết Nha Trang – Hà Nội rẻ như anh đã mua. “Có đại lý cho biết 4 vé khứ hồi tết mà tôi mua, nếu thấp nhất cũng trên 20 triệu đồng, chứ không rẻ như vé tôi mua. Tôi lên trang web của hãng tìm đúng ngày mình mua thấy giá vé thấp nhất 2,5 – 2,6 triệu đồng/chiều.
Tôi nhờ người kiểm tra code vé thì mới biết vé tôi mua không có trong hệ thống, có nghĩa vé tôi mua không có thực”, anh T. nói và cho biết sau nhiều lần anh khiếu nại, mới đây phòng vé mới trả lại tiền và đổ lỗi cho nhân viên đặt vé quên chuyển tiền cho hãng (?!).
Trong khi đó, theo lời kể của hai đại lý vé máy bay cấp 2 ở Q.9 và Tân Bình (TP.HCM), cách đây hơn 1 tháng, hai nơi này cùng bị một cá nhân lừa tiền vé. Người này có trong tay khá nhiều khách hàng mua vé máy bay dịp Tết Nguyên đán và tạo niềm tin với các phòng vé bằng cách mua vé nào thanh toán tiền ngay vé đó. Sau khi mua khoảng 5 – 6 lần, người này bắt đầu lấy lý do kẹt tiền, xin khất nợ và rồi sau đó “biến mất”, với số tiền quỵt nợ mỗi phòng vé khoảng 20 triệu đồng.
Thủ đoạn lừa bán vé máy bay là muôn hình vạn trạng: Có những nơi xuất vé giả (vì vé máy bay hiện chỉ được in đơn giản thông tin trên giấy A4) rồi đóng mộc công ty, khách hàng chủ quan không kiểm tra nên khi ra sân bay mới biết bị lừa. Hay sau khi người mua trả tiền, người bán gửi thông tin về vé cho khách hàng, rồi sau đó thông báo với hãng hàng không hủy vé và “ôm” tiền của khách. Tinh vi hơn, cá nhân, đại lý gửi mã vé cho khách hàng, để một thời gian đề phòng người mua xác nhận lại với hãng, sau đó mới đề nghị hãng hoàn vé, “ôm” trọn tiền của khách hàng đã chuyển cho mình, tấm vé này sau đó đương nhiên bị hủy. Có cá nhân còn mua vé giá rẻ cho khách, sau đó chịu phí đổi tên, bán giá cao hơn cho người khác để hưởng chênh lệch. Khách cũ dù có mã vé trong tay nhưng khi ra sân bay thì mới nhận được thông báo vé đã đổi tên, đổi hành trình bay…
Với những trường hợp đại lý bán vé rẻ hơn cả giá công bố trên trang web của hãng, đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) lưu ý người mua cần cẩn thận cảnh giác là chiêu trò lừa đảo. Thường mỗi vé máy bay, giá bán của các phòng vé chỉ chênh nhau 20.000 – 30.000 đồng, nếu thấy phòng vé này bán rẻ hơn phòng vé kia trên 100.000 đồng/vé thì người mua cần kiểm tra lại. “Việc giá vé quá rẻ so với giá bán trên hệ thống bán vé của hãng có thể xảy ra ở trường hợp người mua dùng thẻ tín dụng ăn cắp mua vé để bán lại. Nếu bị phát hiện, người mua vé sẽ lãnh hậu quả vì số vé bán ra bị hủy. Trường hợp này đã từng xảy ra ở VN và bị cơ quan công an phát hiện”, đại diện JP nói.
“Ngoài việc mua trực tiếp tại trang web của các hãng thì khách nên tìm đến các phòng vé có bảng hiệu, địa chỉ, số điện thoại cụ thể hoặc đại lý được công bố công khai trên trang web của hãng, tránh mua qua trung gian hay cá nhân mới quen biết”, đại diện một hãng hàng không khuyến cáo.
Tú Sơn – Trung Hiếu/TNO
Bình luận (0)