Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Coi chừng dính bệnh từ chó mèo

Tạp Chí Giáo Dục

Đa phần các hộ gia đình nuôi thú cưng như chó, mèo đều thả rông, không xích dây, rọ mõm. Đây là nguy cơ khiến nhiều người dính bệnh từ thú cưng, nhất là trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, tập quán các gia đình trong nước thường thích nuôi chó, mèo; và phần lớn nuôi theo kiểu thả rông. Số đông nuôi giống chó địa phương, nuôi để giữ nhà, lấy thịt. Số còn lại thì nuôi chó kiểng nhập khẩu, ở vùng đô thị. Có gia đình nuôi 1 con, có gia đình nuôi 3-4 con. Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28.9), năm nay Viện Pasteur TP phối hợp cùng các cơ quan y tế, thú y, dự phòng… tuyên truyền giúp người dân nuôi thú cưng đảm bảo để phòng tránh những bệnh tật, tai nạn do thú cưng gây ra.
 
Chó mèo không nên thả rông – Ảnh: T. Tùng
Rất nguy hiểm
Bác sĩ Minh Phượng cho hay, bệnh dại tập trung chủ yếu là do chó nhà gây ra (chiếm 96,4%), do mèo chiếm 3,6%. Phần lớn mắc bệnh và tử vong rơi vào các cháu nhỏ dưới 15 tuổi, vì các cháu nhỏ thường tiếp xúc, đùa giỡn với chó, mèo. Địa phương năm nào cũng có ca bệnh dại đó là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (Phó khoa Xét nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP) cho biết, ngoài đối tượng trẻ em hay dính bệnh bởi thú cưng, thì 2-3 năm trở lại đây, những người đi thu mua chó, giết mổ, chế biến thịt chó cũng gặp rất nhiều; bên cạnh đó còn có những người làm công tác thú y, kiểm lâm, làm ở phòng thí nghiệm có vi rút dại. Có trường hợp trẻ con bị chó nhà tấn công làm rách mặt, cắn rách da đầu ló xương sọ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, thế giới có đến 55.000 người tử vong vì bệnh dại. Còn tại Việt Nam, từ năm 2009 đến năm 2011, trung bình mỗi năm cả nước có 79 ca tử vong. 6 tháng đầu năm 2012 đã có 57 trường hợp chết do bệnh dại, trong đó miền Bắc có đến 50 ca, miền Nam 7 ca (1 ca ở TP.HCM).
Xử trí
Bác sĩ Anh Tuấn hướng dẫn cách xử trí khi bị chó, mèo cắn như sau: rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng đặc và nước muối 0,9%, rồi bôi cồn hoặc dung dịch iode ít nhất 5 phút, để giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể. Không nên khâu hoặc băng kín vết thương. Ngay sau đó đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí, tiêm phòng. Bên cạnh đó cần theo dõi con chó cắn 14 ngày. Dấu hiệu của bệnh dại khởi phát gồm: mệt mỏi, nhức đầu, sốt, đau cơ; cảm giác ngứa, đau hay dị cảm ở vết cắn; thay đổi tính tình…
Thời kỳ bệnh toàn phát gồm có hai thể: thể hung dữ và thể bại liệt. Với thể hung dữ, người bệnh thường hốt hoảng; lên cơn co giật; co thắt cơ hô hấp; ngưng tim, ngừng thở; sốt cao; triệu chứng điển hình nhất là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Giữa hai cơn người bệnh vẫn tỉnh táo. Thường sẽ tử vong 2-4 ngày sau khi lên cơn (do liệt cơ hô hấp). Với thể bại liệt, lúc đầu có thể dị cảm ở vết cắn, đau cột sống; sau đó liệt tiến triển dần ở chi trên, mất phản xạ gân xương, liệt cơ cổ, liệt cơ hô hấp. Thể bại liệt tử vong chậm hơn thể hung dữ, có thể kéo dài từ 2-20 ngày.
Theo TNO

 

Bình luận (0)