Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Coi chừng dược phẩm gây loãng xương!

Tạp Chí Giáo Dục

Loãng xương là tình trạng có sự giảm khối lượng xương và hư hoại vi cấu trúc của hệ thống xương dẫn đến giảm sức mạnh của xương và có nguy cơ gãy xương.

> Thuốc trị chứng khó tiêu, đầy bụng, ợ chua

> Có nên dùng nội tiết tố giảm đau ngực?

Ở xương luôn xảy ra 2 quá trình đồng thời, quá trình hủy xương và quá trình tạo xương. Có một số yếu tố, như tuổi già ở người cao tuổi, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh hoặc do dùng một số dược phẩm, làm cho tăng quá trình hủy xương và giảm quá trình tạo xương xảy ra đồng thời, đưa đến loãng xương.

Loãng xương được chia làm 2 loại: tiên phát và thứ phát. Loãng xương tiên phát là loại loãng xương tự phát sinh ra gồm loãng xương xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh và ở người già (cả nam và nữ trên 70 tuổi). Còn loãng xương thứ phát là loại loãng xương xảy ra sau khi bị một hay nhiều yếu tố tác động, như do bị bệnh tật làm nằm bất động lâu ngày, đặc biệt do sử dụng lâu dài một số dược phẩm. Bài viết xin đề cập đến một số dược phẩm khi dùng kéo dài có thể gây ra loãng xương.

Trước hết là các thuốc chống viêm glucocorticoid (thường được gọi tắt là corticoid). Đó là các thuốc có tác dụng tốt trị các bệnh lý liên quan đến viêm mạn tính như hen suyễn, viêm xương khớp, viêm đa khớp dạng thấp hay liên quan đến các bệnh tự miễn như lupus, vảy nến, chàm v.v… Có thể kể: hydrocortison, prednison, prednisolon, dexamethason, triamcinolon, betamethason… Dùng glucocorticoid lâu ngày có thể bị loãng xương vì thuốc loại này làm tăng đào thải calci qua nước tiểu (thiếu calci sẽ làm giảm quá trình tạo xương), ngoài ra, thuốc còn làm thoái hóa protein tức cũng làm mất một chất cơ bản của xương.

Kế đến là các thuốc chống động kinh. Các thuốc chống động kinh dùng lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị loãng xương, do các thuốc này (như phenobarbital, phenytoin, carbamazepin…) có tác dụng gây cảm ứng enzyme chuyển hóa thuốc ở gan, gọi chung là cytochrom P450, làm cho hệ enzyme chuyển hóa thuốc hoạt động mạnh hơn trong cơ thể, làm cho bất cứ thuốc nào dùng sẽ bị chuyển hóa ở gan để không còn hoạt tính (nhưng có khi lại tăng độc tính). Không những thế, chính các chất có trong cơ thể có khi lại bị chuyển hóa ở gan để trở thành chất khác. Thí dụ, như vitamin D bị chuyển hóa ở gan thành chất không còn tác dụng của vitamin. Tóm lại các thuốc chống động kinh dùng lâu ngày sẽ gây cảm ứng, tức làm cho các enzyme chuyển hóa thuốc hoạt động mạnh lên, làm cho vitamin D có trong cơ thể mất tác dụng, không còn chuyển hóa tốt calci để tạo xương. Nói dùng thuốc chống động kinh lâu ngày tăng nguy cơ loãng xương là vì thế, là làm mất vitamin D.

Các thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporin, tacrolimus… (thường dùng để ngăn sự thải ghép khi ghép tạng như ghép tủy, ghép thận) dùng lâu ngày cũng có thể gây loãng xương.

Thuốc lá không phải là dược phẩm nhưng có chứa chất có tác dụng dược lý là nicotin. Nicotin gây độc cho tế bào tạo xương (osteoblastes), tăng sự chuyển hóa estrogen. Vì vậy, phụ nữ hút thuốc lá lâu ngày sẽ bị mãn kinh sớm, dễ bị loãng xương.

Biết được một số dược phẩm được nêu ở trên có thể gây ra hoặc làm tăng nguy cơ loãng xương, ta nên thận trọng trong sử dụng thuốc. Không dùng thuốc tùy tiện, bừa bãi chính là để phòng chống các tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc, trong đó có tác dụng gây loãng xương. Sử dụng thuốc tốt nhất là theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Riêng đối với phụ nữ, ngoài việc thận trọng trong sử dụng thuốc, cần phòng ngừa loãng xương từ thời còn trẻ (chứ không đợi đến tuổi sắp mãn kinh) bằng cách có chế độ dinh dưỡng giàu calci. Thực phẩm giàu calci chính là sữa và các sản phẩm từ sữa. Bổ sung đầy đủ calci qua chế độ ăn uống, tăng cường vận động, thận trọng trong sử dụng thuốc là biện pháp đơn giản phòng ngừa loãng xương.

NGUYỄN HỮU ĐỨC (TTO)

Bình luận (0)