Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Coi chừng “mất cả chì lẫn chài”

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Nguyễn Thiên Phú – Phó trưởng khoa Kinh tế thương mại, Trường ĐH Hoa Sen giải đáp thắc mắc cho HS Trường THPT Thanh Đa

Tuần qua, Chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã đến tư vấn, giải đáp thắc mắc về ngành nghề cho hàng ngàn học sinh (HS) các trường THPT Thạnh Lộc, Thanh Đa, Hùng Vương và Trần Khai Nguyên.
Hãy tin vào năng lực của mình
Một HS Trường THPT Hùng Vương băn khoăn: “Em muốn học ngành hệ thống điện nhưng cũng rất thích ngành tài chính ngân hàng. Liệu em có thể học hai ngành cùng một lúc được không?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế Luật, cho biết theo Quy chế 43 của Bộ GD-ĐT về đào tạo theo hệ thống tín chỉ bậc ĐH, CĐ ban hành năm 2007, SV được phép học song song hai ngành ở cùng một trường ĐH với hai điều kiện cơ bản: Phải hoàn thành xong học kỳ thứ nhất hay năm học thứ nhất hoặc của chương trình học ngành đầu tiên mà SV này trúng tuyển; học lực trong thời gian học trước đó không bị xếp vào loại yếu. Đáp ứng hai điều kiện này SV được phép đăng ký học song song ngành thứ hai nếu trường ĐH, CĐ đó có đề án đào tạo song song hai bằng tại trường. Khi tốt nghiệp, SV sẽ được cấp hai bằng tốt nghiệp ĐH.
“Tuy nhiên, trường hợp của em tương đối khó vì hai ngành học này thuộc hai hệ thống đào tạo kiến thức khác nhau. Do đó, trong quá trình học sẽ không có những môn bổ trợ kiến thức cho nhau nên áp lực rất lớn. Nếu thi đậu vào trường ĐH, em nên suy nghĩ kỹ trước khi chọn ngành học thứ hai để không bị mất cả “chì” lẫn “chài”, ThS. Dương nhấn mạnh.
Tại các buổi tư vấn, nhiều thành viên trong ban tư vấn cũng kịp thời chấn chỉnh tâm lý của nhiều em HS có tư tưởng “chỉ cần trở thành SV”. Các em có sức học tốt nhưng lại sợ mình rớt ĐH nên chọn học CĐ hoặc một ngành trong trường ĐH có điểm chuẩn xét tuyển hằng năm rất thấp mà không cần biết mình có phù hợp với ngành đó hay không. Suy nghĩ lệch lạc này đã dẫn đến những hậu quả không tốt ngay trong chính bản thân thí sinh và tương lai sau này của các em.
“Đó là các em tự tạo sự ỷ lại, trì trệ trong chính bản thân mình. Các em có thể đậu ĐH với số điểm cao hơn, tốt hơn nhưng tư tưởng đó đã hạn chế năng lực và khi đã là SV rồi thì chính các em – những người từng thích “an phận” lại cảm thấy tiếc nuối vì quá ngán ngẩm với chương trình học và cảm thấy hoang mang với con đường tương lai của mình. Có những em dư tới 3-4 điểm xét tuyển nguyện vọng 1 ở chuyên ngành mình chọn, vào học 1-2 năm thấy không phù hợp lại bỏ học và thi lại ĐH. Như vậy, những em này đã lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc vào một việc chẳng đi đến đâu trong khi bạn bè cùng trang lứa có người đã ra trường, đi làm và trở thành người có ích cho xã hội”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM phân tích.
Cơ hội nghề nghiệp giữa các trường ngang nhau?
Rất nhiều HS bày tỏ sự quan tâm về cơ hội việc làm của một ngành trong các trường ĐH cùng hệ thống đào tạo. Em Diệp Anh, HS lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên, băn khoăn: “Những ngành như kế toán, tài chính, marketing… có nhiều trường cùng đào tạo. Vậy khi đi xin việc liệu các công ty, doanh nghiệp có phân biệt bằng cấp giữa các trường?”. Giải đáp băn khoăn này, ThS. Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết sự so sánh của các doanh nghiệp hay công ty chỉ là sự so sánh chủ quan khi họ chưa nhìn thấy năng lực được đào tạo của người tuyển dụng. Nhiều nhà tuyển dụng đã dựa trên sự uy tín giữa các trường làm cơ sở cho việc đánh giá. Tuy nhiên, khi nhận thấy khả năng và kiến thức của người tuyển dụng đáp ứng được nhu cầu của công việc, nhà tuyển dụng sẽ tự thay đổi suy nghĩ về cách đánh giá ban đầu.
“Do đó, dù các em được đào tạo ở bất cứ trường ĐH nào nhưng được trang bị kiến thức vững vàng về mặt chuyên môn và có những kỹ năng tốt trong quá trình làm việc như kỹ năng làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, quan hệ công chúng thì tôi nghĩ không có một đơn vị tuyển dụng nào từ chối bằng cấp của trường này hay trường kia mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực và kiến thức các em. Bởi hầu hết các môn học trong cùng một ngành ở các trường theo quy định của Bộ GD-ĐT là tương đương nhau. Có chăng chỉ là sự khác biệt về phương pháp giảng dạy, phương pháp trang bị kiến thức, cơ sở vật chất và điều kiện trang bị khác phục vụ cho việc đào tạo mà thôi”, ThS. Vinh khẳng định.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)