Mặc dù TP.HCM và cả nước đã lác đác có mưa. Tuy nhiên tình hình nắng nóng vẫn tiếp diễn, thậm chí cuối tháng 5 và đầu tháng 6, dự báo còn nắng nóng khủng khiếp hơn khi hiện tượng El Nino xuất hiện. Nắng nóng có thể dẫn đến sốc nhiệt, đột quỵ gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mọi người…
Em Tr.T.Kh (14 tuổi) bị sốc nhiệt do chạy 4.000m quanh sân bóng ở trường. Ảnh: BVNĐTP
Nam sinh ngất xỉu vì chạy 4.000m/30 phút ở trường
Đó là trường hợp em Tr.T.Kh (14 tuổi, nam). Khoảng 8 giờ 30 ngày 4-5, Kh. chạy quanh sân bóng đá của trường được 10 vòng, mỗi vòng khoảng 400m, trong thời gian 30 phút. Chạy xong, Kh. than mệt, vã mồ hôi, chuột rút, nhức đầu rồi ngất xỉu nên được đưa vào bệnh viện (BV) địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C… Tình trạng của Kh. có diễn tiến nặng nên nhanh chóng được chuyển tới BV Nhi đồng TP. Tại đây, ghi nhận Kh. lơ mơ, sốt 39 độ C, da khô nóng, được chẩn đoán sốc nhiệt do vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng. Kh. được làm các xét nghiệm máu, X quang phổi, CT scan não. Kết quả ghi nhận trẻ có tổn thương gan, thận… Trẻ được truyền dịch, lau mát bằng nước kết hợp với quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết. Sau 6 giờ điều trị, tình trạng trẻ cải thiện, sốt 38 độ C, được cai máy thở; đồng thời tiếp tục điều trị hỗ trợ gan, thận và theo dõi tình trạng huyết động.
N.Đ.H (học sinh THPT ở TP.HCM) cũng phải nhập viện do chơi đá bóng cùng bạn bè vào buổi trưa (khoảng 13 giờ 30). Đang chơi, bỗng dưng H. bị chuột rút, co cứng cơ, lên cơn co giật và khó thở nên em được các bạn đưa tới BV Chợ Rẫy. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị sốc nhiệt dẫn tới tổn thương thần kinh (sốt cao liên tục trên 40 độ C), cơ bị hoại tử làm tổn thương thận cấp. Tại Khoa Hồi sức tích cực (BV Chợ Rẫy), H. được hạ thân nhiệt bằng máy, lọc máu, cho ngủ liên tục nhằm kiểm soát thần kinh. Sau 3 tuần được điều trị tích cực, H. đã hồi phục, không bị di chứng về thần kinh. Theo các bác sĩ, chỉ cần H. đến BV chậm một chút, tính mạng sẽ bị đe dọa.
Tại BV Thống Nhất, những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ. Một trong số đó là bệnh nhân D.V.B (quận Tân Bình, 41 tuổi, kỹ sư xây dựng). Ngày 8-5, anh B. được gia đình đưa tới BV Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng yếu 2 chân, nói đớ, nhức đầu dữ dội. Anh B. xuất hiện triệu chứng như trên sau khi chạy xe máy từ nhà ra đường để đón con đi học về. Kết quả chụp CT xác định bệnh nhân bị xuất huyết não do tăng huyết áp đột ngột.
Ngày 8-5, BV Đa khoa Tâm Anh đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhân bị đột quỵ do nắng nóng. Bệnh nhân là ông N.T.L (49 tuổi, quận Bình Thạnh), được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu và thờ ơ nhẹ khi tiếp xúc, nói đớ. Kết quả chẩn đoán ông L. bị đột quỵ cấp, có nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn. Qua một tuần điều trị, người bệnh đã phục hồi 90%, có thể làm việc và sinh hoạt bình thường.
Theo bệnh nhân, hàng ngày ông đi lấy hàng cho vợ bán ngoài chợ vào lúc giữa trưa. Khi về nhà ông thường đi lại vài vòng và bật quạt thoáng nhẹ. Tuy nhiên, hôm nhập viện, do trời nắng nóng quá, ông vừa về nhà lúc 13 giờ liền bật quạt số lớn và bật luôn điều hòa để nằm nghỉ. Vài phút sau, ông thấy chóng mặt, đau đầu, đo huyết áp chỉ số 150/100 mmHg nên đã ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Sau đó ông thấy miệng bên trái bị tê và méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu nên người nhà đã đưa đi cấp cứu.
Uống đủ nước, hạn chế ra đường khi trời nắng gắt
Đây là 2 biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng.
Năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên thời tiết rất oi bức, có những ngày nhiệt độ lên tới 38-39 độ C, thậm chí có nơi lên tới trên 44 độ C. Dự báo nhiệt độ thời gian tới còn tiếp tục tăng cao. Do đó, người dân phải đề phòng sốc nhiệt, thậm chí là đột quỵ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy – cho biết, nhiệt độ môi trường cao, thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại có thể khiến nạn nhân bị sốc nhiệt, thậm chí là đột quỵ (do huyết áp tăng đột ngột). Những người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ khi hoạt động lâu trong môi trường nắng nóng gồm: người trên 65 tuổi, do hệ thống thần kinh điều nhiệt kém; trẻ em, điều nhiệt kém do thần kinh chưa phát triển đầy đủ; người có bệnh mạn tính cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch; vận động viên, người tham gia các môn thể thao ngoài trời; phụ nữ mang thai; những người làm việc ngoài trời như thợ hồ, xe ôm, bán hàng rong…
Bác sĩ Nguyễn Văn Chi – BV Bạch Mai – cũng cảnh báo: “Nếu chúng ta ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế cân bằng nhiệt của cơ thể sẽ không còn hiệu quả. Khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của những cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận; nếu nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật”.
“Để tránh xảy ra tình trạng sốc nhiệt, mọi người hãy uống đủ nước dù không khát để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Hạn chế ở ngoài trời vào các khung giờ nắng nóng cao điểm, nếu bắt buộc phải ra đường thì cần trang bị đồ chống nắng đầy đủ”, bác sĩ Linh khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Linh, trước khi sốc nhiệt xảy ra, cơ thể sẽ bị chuột rút, mệt mỏi, đau nhức cơ. Ngay lúc này, nạn nhân cần được bù nước, nghỉ ở nơi mát mẻ.
Đối với trẻ em, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP – khuyến cáo: “Vào mùa nắng nóng, phụ huynh nên cho con em mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt để tránh hấp thu nhiệt; cho trẻ uống nhiều nước; tránh chơi vận động mạnh dưới trời nắng nóng; cho trẻ đội mũ rộng vành khi đi ngoài trời nắng”…
Kim Anh
Bình luận (0)