Không mất nhiều công sức, vốn đầu tư, một số ít người vẫn có thể dễ dàng kiếm sống bằng những nghề mà không mấy người biết như: đọc báo thuê, gửi thư quảng cáo hay bán sim số khuyến mãi… Tuy nhiên, đằng sau một số nghề này là sự vi phạm pháp luật nhưng rất ít ai nghĩ đến…
Những nghề không giống ai…
Anh Nguyễn Duy Trung, 48 tuổi, một người làm công việc tổng hợp và nghiên cứu thị trường theo hợp đồng từng năm cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Thái Th. trên đường 3/2 (quận 10) cho biết: “Công việc của tôi là hàng ngày tổng hợp các thông tin mua bán nhà đất trên các báo để khoanh vùng khu vực có nhiều nhà, bất động sản bán hoặc cho thuê, thậm chí tần xuất đăng quảng cáo, thông tin rao bán bất động sản của các công ty khác rồi lấy số liệu tổng hợp mail về cho công ty để họ lên kế hoạch tiếp cận thị trường. Hàng ngày tôi phải lướt khoảng chục trang web, đọc không dưới 10 tờ báo để lấy thông tin, số liệu tổng hợp”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, 52 tuổi, sống ở chung cư Trần Hưng Đạo (Q.5) lại có cách kiếm tiền theo cách riêng của mình. Công việc hằng ngày của chị là lướt web, đọc thông tin quảng cáo trên các báo rồi tìm mua lại những sản phẩm rao bán trên đó, sau đó về cho sửa chữa, “tút” lại vóc dáng và tung lên các trang rao vặt, mua bán điện tử với mức giá chênh lệch để kiếm lời.
Nghề bán địa chỉ email cá nhân, nghe qua có vẻ lạ nhưng kỳ thật nó chính là nghề gửi thư quảng cáo (spam) thuê. Người làm nghề này thường thu gom, lược giải các địa chỉ email cá nhân trên các diễn đàn, mạng quảng cáo, chợ điện tử, forum… thu về một đầu mối, sau đó gửi nhiều thư cùng một lúc đến các địa chỉ trên. Họ chỉ cần soạn ra một thông tin cần gửi đến một địa chỉ email nào đó, hoặc thông báo một thông tin quảng cáo, hay giới thiệu sản phẩm mới của công ty nào đó là họ có thể gửi nội dung ấy đến hàng ngàn email cá nhân chỉ trong vài giờ. Thường thì những doanh nghiệp, các công ty kinh doanh thường áp dụng việc quảng cáo, thông tin thương mại điện tử rẻ tiền này thông qua một người làm công việc trên. Anh Đồng Chí Vinh, một nhân viên kinh doanh tự do cho biết: “Những người làm nghề này thường tiếp cận đến các doanh nghiệp, công ty, các đơn vị tư nhân để giới thiệu tiện ích của loại hình quảng cáo rẻ tiền này rồi thuyết phục doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mướn họ làm việc. Một số khác thì chép ra đĩa gửi ở các cửa hàng bán sản phẩm vi tính, hoặc gửi mail giới thiệu cho các doanh nghiệp để bán đĩa cho họ”.
Hiện nay, nghề bán sim điện thoại khuyến mãi cũng đang thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Người kinh doanh kiểu này thực chất là những nhà đầu cơ kho sim số, khi họ dựa vào các hình thức khuyến mãi rầm rộ hiện nay của các mạng điện thoại di động như: Mobifone, Vinaphone, Viettel, HT Mobile… nhằm kiếm lợi nhuận. Thường họ tập trung khai thác kinh doanh vào các chiêu khuyến mãi trả sau của 3 mạng di động lớn hiện nay là Mobifone, Vinaphone và Viettel để kiếm lợi. Nguồn sim số khuyến mãi cho các thuê bao trả sau hòa mạng mới được họ gom ở các siêu thị điện thoại di động, các cửa hàng điện thoại di động, từ các bưu điện và hệ thống bán lẻ điện thoại di động của các cửa hàng lớn. Sau đó họ ghim hàng lại chờ cho hết đợt khuyến mãi mới tung ra bán, vì tất cả các đầu số trên về cơ bản đã được kích hoạt, thông qua việc gửi tin nhắn bán sim qua SMS cho hàng loạt người. Thế là từ việc không mất đồng nào từ chính sách khuyến mãi dành cho thuê bao trả sau mà các mạng điện thoại đang tung ra, họ có thể bán lại cho khách hàng.
Lách luật, kiếm tiền
Anh Khương Mạnh Hùng, chủ cửa hàng điện thoại di động trên đường Quang Trung, Gò Vấp cho biết: “Kiểu kinh doanh bán sim kiếm chênh lệch trên thực chất là một dạng đầu cơ, và lợi dụng sự mù mờ của một số ít người tiêu dùng để họ kiếm tiền nếu không muốn nói là lừa đảo! Vì với chính sách khuyến mãi hòa mạng trả sau mà các hãng điện thoại di động thường xuyên tung ra là: khách hàng hòa mạng trả sau được tặng 600-800.000 đồng (chia đều cho 6 tháng), với những người không biết, họ sẽ sẵn sàng bỏ ra từ 70-100.000 đồng để mua sim. Cái khéo của những tay buôn sim số khuyến mãi chính là sự nhập nhằng giữa 600.000 đồng tài khoản chia ra 6 tháng với tổng số tài khoản khách hàng có khi mua sim của họ là 600.000 đồng. Khách hàng thường suy nghĩ sẽ có 600.000 đồng trong tài khoản khi mua sim, thế là khách hàng sụp bẫy… bọn đầu cơ này”.
Với nghề bán địa chỉ email nếu xét cho cùng của vấn đề thì rõ ràng nhận thấy việc vi phạm pháp luật khi tự ý lấy các email cá nhân của mọi người để sử dụng vào mục đích kinh doanh, kiếm tiền, thậm chí là gây ra những phiền phức cho khổ chủ vì phải tiếp nhận hàng trăm ngàn thư rác (spam) quảng cáo mỗi ngày. Nghiêm trọng hơn, các thư rác điện tử trên còn có thể bị hacker tấn công và lấy dữ liệu quan trọng trong mail của họ. Tuy nhiên, đến nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có điều luật hay văn bản nào nghiêm cấm hình thức kinh doanh kiểu trên và như thế xét trên mọi khía cạnh họ (những người làm nghề bán địa chỉ email) vẫn không làm sai luật.
Theo chúng tôi được biết, hiện nay Quốc hội cũng đang lắng nghe những đề xuất từ các ban ngành và đã đưa ra dự thảo luật là sẽ cấm tuyệt đối mọi hình thức kinh doanh kiểu bất tuân pháp luật và lợi dụng lợi ích của người khác như trên, người nào vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính thậm chí xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Anh Tú
Bình luận (0)