Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Coi chừng thực phẩm chay thiếu an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Nên chọn mua thực phẩm chay có nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: H.T
Với nhiều thành phần dinh dưỡng và có tác dụng thanh lọc cơ thể cũng như ngăn chặn một số bệnh tật, ăn chay đang dần trở thành thói quen ẩm thực của nhiều đối tượng. Tuy nhiên, cũng giống như các loại thực phẩm khác, thức ăn chay đang đứng trước nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.
So với những năm trước đây, các nhà hàng và nhiều quán chay ra đời đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng. Cũng từ đó, các loại thực phẩm chay đang được “lên ngôi”.
Hấp dẫn thực phẩm chay
Nếu trước đây, thực phẩm chay chỉ bó hẹp trong thực đơn của các món ăn như đậu phụ, chao tương, hủ tiếu, cơm mì… thì hiện nay đã được bổ sung nhiều loại đem lại sự phong phú trong mỗi bữa ăn chay như chả giò, xúc xích, nem, viên chiên, lạp xưởng… Ngoài các mặt hàng được đóng gói, thực phẩm chay còn được các nhà sản xuất đóng thành hộp để tiện sử dụng. Hầu như thực phẩm mặn có gì thì thực phẩm chay cũng tìm cách “y sao bản chính” như vậy. Không chỉ có mặt ngoài chợ, tại các siêu thị thực phẩm chay cũng đã được đưa lên kệ bán để đáp ứng người tiêu dùng với nhiều chủng loại. Điều đáng nói là bên cạnh các sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng hiện nay thực phẩm chay có nhiều chủng loại không có xuất xứ, thậm chí không có cả bao bì, nhãn mác, không thời hạn. Tại chợ An Nhơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM, một sạp kinh doanh thực phẩm bày bán các loại thực phẩm nhưng các keo chao không có nhãn mác, chả giò và viên chiên chỉ đựng trong bịch nilon trắng. Những miếng chả to như tấm thớt vàng khè, ai mua thì cắt ra một lát, các loại nem chay gói trong lá chuối trông rất cũ kỹ vì đã lâu ngày. Mặc dù không có nơi sản xuất, thế nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người đến mua về để kinh doanh và tiêu dùng. Đó cũng là thực trạng rất dễ bắt gặp ngay ở trong chợ Bình Triệu và chợ Thị Nghè. Chị Hạnh nhà ở đường Lê Đức Thọ, P.17  trả lời rất vô tư: “Tuần nào tôi cũng ra đây mua về bán lại, nhiều người ăn thấy có sao đâu?”. Điều đáng lo ngại hơn là những đồ ăn chay bày bán ngoài chợ, cả trong nhà hàng luôn có màu sắc rất đặc biệt không giống như màu thực phẩm tự nhiên. Vì chạy theo lợi nhuận và làm đẹp sản phẩm, người chế biến các món chay phải thêm các chất phụ gia như thạch cao, hàn the, vôi để tạo độ dai và trắng cho sản phẩm. Do dùng quá liều lượng nên ẩn chứa nhiều chất độc trong thức ăn gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Chị Mai – một thợ nấu đồ chay lâu năm ở P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức cho biết: “Nấu đồ chay cũng tương tự như nấu đồ ăn mặn cho nên thợ nấu đồ chay trước hết phải biết chế biến đồ mặn”. Tuy nhiên theo chị Mai, chế biến đồ chay cầu kỳ và mất thời gian hơn, có như vậy mới bắt mắt và ăn ngon miệng hơn. Cũng theo chị Mai chuyện “chế” các loại hóa chất để tăng độ giòn dai và chất bảo quản cũng như chất tạo màu, tạo hương vị là không thể tránh khỏi. Nếu dùng thực phẩm tự nhiên như trước đây thì mất nhiều thời gian và không đẹp bằng, trong lúc đó các loại phụ gia này bán sẵn khắp nơi. Để tạo hình dáng các con vật cá, đùi vịt, cánh gà, chân heo… còn phải cần đến chất định hình.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Mặc dù được qua các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không ít người chế biến thức ăn chay bỏ qua các loại phụ gia được phép dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế vì giá thành cao để tìm mua các chất phụ gia kém chất lượng nhưng giá thành rẻ gấp đôi, gấp 3 lần rất dễ qua mặt người tiêu dùng. Nguy hại hơn họ còn dùng những chất không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vì có nhiều độc tố gây nhiều biến chứng nguy hiểm mà trong đó không loại trừ căn bệnh ung thư.
TS. Phan Thế Đồng – Khoa Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết, không chỉ chất bảo quản gây hại mà các chất khác tạo màu, tạo mùi cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Các thực phẩm có chất acid oxalic khi kết hợp với các chất kali, sắt, canxi sẽ kích thích ruột và gan vì thế nếu sử dụng lâu dài sẽ làm cho chất khoáng, chất dinh dưỡng trong cơ thể bị thiếu hụt nhất là các bệnh nhân có rối loạn về thận, khớp, gout. Cũng theo TS. Đồng, nếu người có tiền căn sỏi thận lại càng phải tránh xa các thực phẩm có chất acid oxalic vì dễ bị nghẽn đường tiết niệu do hình thành sỏi trong thận.
ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM khuyên khi mua thực phẩm chay nên chọn thương hiệu uy tín lâu năm có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua các loại thực phẩm không có nguồn gốc cụ thể.
Quang Phan
Theo công bố của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM trong đầu năm 2015, toàn bộ 4 mẫu mì căn, hủ tiếu khô, mì sợi khô được lấy ngẫu nhiên tại một số điểm kinh doanh trên địa bàn TP.HCM, kết quả sau khi đưa đi phân tích đều có chứa acid oxalic – một chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì gây sỏi thận và viêm nhiễm đường tiết niệu. Đáng nguy hại là hầu hết hàm lượng chất gây sỏi thận này trong thực phẩm chay khá cao. 
 

Bình luận (0)