Mùa thu năm lớp 6 tôi tạm xa Ninh Thuận để đến với Sài Gòn để bắt đầu một hành trình mới. Năm ấy, tôi chỉ mới hoàn thành bậc tiểu học, vậy mà bây giờ đã là mùa hạ cuối cùng của đời học sinh. Nhìn ngắm lại Hồng Hà, nghĩ về cô hiệu trưởng, tôi thấy mình thật may mắn. Cuộc đời cô là những đêm không ngủ, là những bước đi không mỏi. Cô lên Hà Giang, ra Trường Sa để đón những học sinh có câu chuyện khác nhau về Hồng Hà nuôi dưỡng, chăm sóc. Cô cho những đứa trẻ như tôi được quên đi chiếc áo rách chắp vá, quên đi những bữa cơm không có thịt, thay vào đó là ước mơ và có cả niềm kiêu hãnh.
Đêm trước ngày thi tốt nghiệp, như biết bao người mẹ khác có con đi thi, chúng tôi thấy ánh mắt bồn chồn của cô. Cô đứng trước bàn thờ lớn, thắp hương khấn nguyện cho chúng tôi một mùa thi thuận buồm xuôi gió, chân cứng đá mềm. Chắc đêm nay lại là một đêm không ngủ nữa trong rất nhiều đêm không ngủ của cô. Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra rằng không phải là thời gian lấy đi thanh xuân của cô mà chính là chúng tôi.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán hay đi công tác Nhật Bản, cô vẫn dành thời gian đến các ngôi chùa thiêng để xin những phong bao may mắn mang về tặng cho học sinh cuối cấp. Chúng tôi đi thi không chỉ mang theo những kiến thức về tự nhiên và xã hội mà như mang cả yêu thương và hi vọng cô gửi gắm. Chắc vì vậy mà sau này khi đi bất kì đâu chúng tôi đều tin rằng trái tim chúng tôi không lạc nhịp. Và cũng chính vì vậy nên mai này rời xa cô, rời xa Hồng Hà, tôi cảm tưởng như mình đã vĩnh viễn để một nửa trái tim ở lại.
Cô rất sợ chúng tôi đi lạc. Tất cả chúng tôi đã bật cười khi biết điều ấy. Nhưng các anh chị lớp lớn đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cô đi tìm học trò giữa đêm khuya. Nghe xong câu chuyện, chúng tôi đã hiểu vì sao cô lại sợ như thế. Nghe nói rằng đó là một cậu học trò ngoan nhưng vì ba mẹ li hôn nên cậu chán nản không muốn thi tốt nghiệp 12. Cậu bỏ đi và vùi đầu vào trò chơi điện tử. Cô hiệu trưởng năm ấy còn rất trẻ, cô đi từng quán net, nhìn từng gương mặt để tìm học trò của mình. Cậu học trò thấy cô đến thì lẩn trốn để cô không tìm thấy, ông chủ quán net hỏi : “cô tìm ai?” Giọng cô cương quyết và đôi mắt vẫn hướng vào trong không thôi tìm kiếm, cô nói: “Tôi tìm con tôi”. Chỉ bốn chữ đó thôi nhưng khi nghe cô nói, cậu học trò ấy đã không trốn nữa mà chạy ra để ông chủ quán nét thôi không làm khó cô. Cô không mắng cậu một tiếng nào, cầm tay cậu và nói: “Về cùng cô”. Cô đã nhắc đi nhắc lại những chàng trai, cô gái sắp tròn 18 tuổi rất nhiều lần rằng khi ra khỏi phòng thi, thầy cô sẽ mặc áo màu hồng, rất dễ tìm. Các con cần gì cứ chạy lại, thầy cô sẽ giúp các con, bất kì điều gì. Nghe cô nói tôi còn tưởng chỉ cần là học sinh Hồng Hà sẽ có đặc quyền không cần phải lớn lên, chỉ cần cố gắng hết mình, cả thế giới ngoài kia sẽ được tô hồng.
Mùa thi đã khép lại rồi. Sau này đánh thức chúng tôi không phải là tiếng chuông đồng hồ của khu nội trú hay tiếng gọi thân thương của thầy cô mà chính là trách nhiệm với cuộc sống. Sau này sẽ không còn chúng tôi của những tháng ngày ngây ngô này nữa, nhưng chúng tôi biết rằng kỉ niệm này sẽ còn mãi, mùa hạ này sẽ còn mãi, tình yêu của cô vẫn sẽ luôn tròn đầy như thế. Miền kí ức về cô, về Hồng Hà sẽ ru vỗ, ôm ấp chúng tôi mãi mãi.
Kỷ niệm mùa hạ năm Giáp Thìn
KaTơ Sarim
Bình luận (0)