Từ năm ngoái, giảng viên các trường ĐH tại TP.HCM đã tỏa đi các tỉnh để coi thi THPT quốc gia. Năm nay cũng vậy, tuy nhiên giảng viên có thể phải về các huyện để phục vụ kỳ thi thay vì chỉ ở trung tâm tỉnh như năm 2016.
Giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM coi thi THPT quốc gia tại trường các năm trước. Năm nay, giảng viên của trường sẽ di chuyển về tỉnh Tây Ninh tham gia phối hợp tổ chức thi |
Một số trường lo lắng khâu di chuyển, chỗ ăn ở… cho hàng trăm giảng viên khi về huyện sẽ khó khăn hơn năm trước.
“Rải” địa điểm thi về các huyện
Năm ngoái, cả nước có 2 loại cụm thi THPT quốc gia: một do sở GD-ĐT chủ trì dành cho thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và một do các trường ĐH chủ trì cho thí sinh xét ĐH-CĐ. Để chủ trì, nhiều trường ĐH tại TP.HCM đã điều động đội ngũ giảng viên đến các tỉnh xa phối hợp với địa phương tổ chức.
Năm nay, cả nước còn một loại cụm thi, được Bộ GD-ĐT giao cho các sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH chỉ tham gia phối hợp tổ chức. Điều đáng nói là có những sở bố trí địa điểm thi về các huyện nên có thể giảng viên sẽ đi xa hơn.
Cụ thể, theo quyết định do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa ký, năm 2017 cả nước có 63 cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Trong đó, Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trì cụm thi số 2 với nhiều đơn vị phối hợp gồm: ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì cụm thi số 1 cũng với nhiều trường ĐH, học viện phối hợp. Các cụm còn lại cũng có 2-3 trường ĐH phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức.
Ở khu vực phía Nam, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay tiếp tục phối hợp tổ chức thi cho thí sinh tỉnh Tây Ninh, tương tự như 2016. ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo nhà trường) cho hay, sau khi nhận quyết định, nhà trường đã khẩn trương làm việc với Phòng Khảo thí và công nghệ thông tin của Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia cho trên 8.000 thí sinh toàn tỉnh năm nay. Số thí sinh này sẽ thi tại 14 điểm, trong đó, thí sinh tự do được bố trí 1 điểm thi riêng. Nhà trường cử khoảng 400 cán bộ, giảng viên tham gia hội đồng thi tại Tây Ninh, ít hơn năm ngoái.
“Năm trước, với vai trò đơn vị chủ trì, trường bố trí các điểm thi tập trung tại thành phố và 1 huyện duy nhất của Tây Ninh. Tuy nhiên, năm nay Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh bố trí điểm thi “rải” ra các huyện. Do vậy, đầu tháng 5 tới, nhà trường sẽ về các huyện khảo sát trước các điểm ăn ở, phương tiện đi lại cho giáo viên”, ông Sơn nói.
Giảng viên đi xa
Nhận nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cho thí sinh tỉnh Đắk Nông, ông Đồng Văn Hướng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết đây cũng là địa phương mà trường “đưa quân” lên phối hợp tổ chức thi năm 2015. Đến năm 2016, trường chủ trì cụm thi tỉnh Ninh Thuận đã tập trung thi tại một chỗ thuộc trung tâm thành phố Phan Rang, thuận tiện cho việc bố trí chỗ ăn ở và đi lại cho giảng viên.
Theo ông Hướng, năm nay, nếu Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông bố trí nhiều điểm thi ở các huyện thì việc đi lại sẽ khó khăn hơn, chỗ ăn ở cũng chưa biết có thuận tiện không…
“Năm ngoái, dù là đơn vị chủ trì nhưng nhà trường chủ động tổ chức cho thí sinh tỉnh Ninh Thuận thi tập trung ở thành phố Phan Rang, hằng ngày bố trí xe đưa giảng viên đi đến các điểm thi, khá thuận tiện. Năm nay, dù nhà trường chỉ giữ vai trò phối hợp, công việc chính đã có Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông nắm nhưng trong trường hợp sở này “rải” địa điểm thi ra các huyện thì nhà trường cũng sẽ khó khăn hơn”, ông Đồng Văn Hướng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) đánh giá. |
Trong khi đó, năm nay Trường ĐH Mở TP.HCM cũng nhận nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cho thí sinh tỉnh Lâm Đồng, nhưng ông Nguyễn Minh Hà (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cho biết hiện không quá lo lắng vì thực tế cũng đã quen việc này từ năm trước. Năm 2016, khi tổ chức thi cho thí sinh tỉnh Bến Tre, nhà trường cũng đã cử nhiều đoàn giảng viên về các huyện, thuê nhà nghỉ, khách sạn gần điểm thi để giảng viên thuận tiện đi bộ sang coi thi. Một số trường hợp ở xa, nhà trường dùng xe đưa rước giảng viên đến địa điểm thi. Được biết, năm 2016, Trường ĐH Mở TP.HCM đã tổ chức 8 điểm thi trong đó mỗi nơi là một huyện. Dự kiến năm nay nhà trường cử 350 giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi tại tỉnh Lâm Đồng.
Mê Tâm
Bình luận (0)