Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cởi trói để TP.HCM phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 9-3, UBND TP.HCM phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, Viện Kinh tế VN và Viện Nghiên cứu phát triển TP đã tổ chức Hội thảo “Các vấn đề phát triển TP.HCM: Cơ chế, chính sách đột phá”.

Ông Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.Huy

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: TP.HCM là một siêu đô thị, đầu tàu của cả nước dẫn dắt cả nền kinh tế đất nước phát triển nhưng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế vốn có của mình. Nhiều khó khăn, vướng mắc cản trở, trói buộc sự phát triển của TP.HCM.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia đến từ chương trình giảng dạy Fulbright, cho rằng: TP đang tụt hậu so với các TP lớn của những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Bởi 4 nguyên nhân: nguồn lực, thể chế, chiến lược và cải cách toàn diện. TP chỉ có thể đột phá nếu Trung ương cho phép thử nghiệm cải cách thể chế và TP thiết lập được cơ chế hợp tác, liên kết vùng hiệu quả. Nếu không cải cách toàn diện được thì nên tận dụng triệt để dư địa chính sách, đồng hành với doanh nghiệp thực hiện chọn lọc một số cải cách đột phá.

Trong khi đó, TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, lưu ý: TP.HCM phải xem xét đến tính bền vững trong phát triển kinh tế. Hiện tại, 77% doanh nghiệp trên địa bàn TP có trình độ công nghệ thấp và trung bình. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chậm, vốn đầu tư mua sắm chỉ bổ sung được 1/4 lượng hao mòn tài sản. Từ thực tế này, ông Vũ Tuấn Anh đề xuất: “TP.HCM là siêu đô thị thì phải cải cách quản lý hành chính theo tốc độ của siêu đô thị. Cần xây dựng Đề án cải cách thể chế quản trị siêu đô thị theo hướng chuyển đổi cách tiếp cận của Đề án chính quyền đô thị thành cách tiếp cận ứng dụng các chức năng và phương thức quản trị siêu đô thị”.

Nhìn ở góc độ xây dựng, quy hoạch đô thị, TS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đề xuất: “Để làm nổi bật biểu tượng của “Hòn ngọc Viễn Đông”, cần có ý tưởng quy hoạch các trung tâm nổi bật như đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi – Đồng Khởi, khu trung tâm Thủ Thiêm và các khu du lịch nổi tiếng như không gian bán đảo Bình Quới, cảnh quan du lịch dọc sông Sài Gòn và đặc biệt là quy hoạch xây dựng thêm nhiều công viên văn hóa, sinh thái”.

Còn PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH&NV TP) lo lắng về quy mô dân số đô thị và cảnh báo nếu TP không có cách kiểm soát, điều tiết được quy mô tăng dân số thì với tốc độ tăng dân số như hiện nay đến năm 2030 TP sẽ có 15 triệu dân. Theo đó sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, hệ lụy…  “Mọi người ca ngợi TP là nơi dễ sống, “đất lành chim đậu” nhưng chim về nhiều quá mà đất thì không nở ra”, ông Hòa trăn trở.

Giải quyết vấn đề này, theo GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thì: TP cần có cách làm cuốn chiếu, xin Trung ương cơ chế vùng. Khi có rồi thì việc kết nối, quy hoạch vùng đến mở rộng ra các TP vệ tinh như khu Nhơn Trạch (Đồng Nai), kết nối với TP mới Bình Dương để tận dụng quỹ đất mà họ đang xây dựng những khu nhà ở giá rẻ (100 triệu đồng/căn) cho công nhân…

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo cho biết sẽ đề xuất với Trung ương những giải pháp giúp TP.HCM ngày càng phát triển…

An Khánh

Bình luận (0)