Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, năm 2016, việc tuyển sinh đầu cấp của các trường được thực hiện bởi phần mềm tuyển sinh qua mạng, có kết nối dữ liệu dân cư để phân tuyến. Riêng các trường nổi tiếng như Chuyên Hà Nội Amsterdam, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh… sẽ được “cởi trói” bằng phương thức phỏng vấn.
Theo ông Tiến, để tránh tình trạng lộn xộn trong việc nộp- rút hồ sơ, trong năm học tới, phụ huynh sẽ lên mạng để đăng ký hồ sơ trực tuyến. Các trường cung cấp chỉ tiêu, khu vực, các điều kiện cần thiết cho việc tuyển sinh.
Khi hoàn tất việc tiếp nhận hồ sơ, các trường có nhiệm vụ duyệt, thông báo kết quả sơ tuyển. Khi đó, phụ huynh mới đem hồ sơ đến để đối chiếu và làm thủ tục nhập học. Khi đăng ký hồ sơ qua mạng đúng tuyến, mọi học sinh đều có cơ hội ngang nhau, kể cả quá chỉ tiêu, nhà trường cũng phải tiếp nhận.
Anh Phạm Hồng Thái ở Khu đô thị Xa La, Hà Đông (Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 chia sẻ: “Đăng ký online thực sự là bước cải tiến của ngành giáo dục, phụ huynh sẽ không còn cảnh chen chân, xếp hàng để nộp hồ sơ cho con nữa”.
Tuy nhiên, anh Thái không khỏi lo lắng khi khu vực nơi anh ở các tòa nhà cao tầng mọc lên khá dày nếu đăng ký đúng tuyến, có khi 1 lớp học lên tới 60, 70 học sinh làm sao đảm bảo chất lượng?”.
Theo anh Thái, quy định học sinh chỉ học đúng tuyến, có thể “buộc” nhiều người phải chuyển con sang học trường tư vì không chịu được sức ép của sĩ số.
Cởi trói tuyển sinh đầu cấp?
Ông Tiến cũng thông tin, việc tuyển sinh lớp 6 ở các trường, nếu vượt quá chỉ tiêu được giao, theo chỉ đạo chung, các quận, huyện phải có trách nhiệm chỉ đạo các phường, trường để rà soát hết đối tượng trong độ tuổi để tuyển sinh đầu cấp.
Sau đó, phân tuyến phù hợp nhưng đảm bảo phải tuyển sinh hết tất cả học sinh đã đăng ký hồ sơ. Đặc biệt, theo ông Tiến, năm nay những trường đặc biệt “nóng” tuyển sinh đầu cấp sẽ được thực hiện phương án phỏng vấn, không thể xếp theo thứ tự ai nộp hồ sơ trước, ai nộp hồ sơ sau.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu giấy, một trong những trường có lượng hồ sơ đăng ký tuyển sinh đầu cấp hàng năm vượt hàng chục lần chỉ tiêu tuyển sinh đánh giá, phương án phỏng vấn để tuyển sinh là một phương án hay.
“Các trường được quyền chủ động tuyển sinh sẽ đảm bảo công bằng hơn bởi chỉ dựa vào học bạ như năm trước, các trường khó xác định được chất lượng thực sự của học sinh”, bà Kim Anh nói.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho rằng: “Ngoài xét học bạ, năm nay Sở GD&ĐT cho phép các trường được phỏng vấn để tuyển sinh đầu cấp, các trường thực sự được “cởi trói””.
Theo ông Cương, chỉ cần có hình thức kiểm tra nào đó để trường đánh giá được trình độ học sinh này khác học sinh khác chỗ nào. “Ví dụ phương án phỏng vấn kiến thức toàn diện, trường sẽ có điểm cho từng em sẽ dễ chọn lựa hơn là xét học bạ như năm trước”, ông Cương nói.
Trước đó, năm học 2014-2015, Bộ GD&ĐT ra văn bản yêu cầu các trường không được thi tuyển đầu cấp, đặc biệt là tuyển vào lớp 6. Văn bản được coi là làm khó các trường có lượng hồ sơ nộp vào khá lớn như: Trường Lương Thế Vinh, Trường THCS Cầu Giấy, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, Trường Marie Curie, Trường THCS Nguyễn Siêu…
Hàng năm, những trường này được phép tuyển sinh toàn thành phố nên có hàng nghìn hồ sơ nộp vào, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng từ 200-300.
Năm ngoái, để tuyển sinh, các trường này buộc phải xét học bạ. Tuy nhiên, 100% hồ sơ nộp vào các trường này đều có học bạ loại giỏi, vì thế các trường đã buộc phải dựa vào các bằng khen, phần thưởng khác, thậm chí cả giải văn nghệ, thể thao… để xét tuyển học sinh đầu cấp.
Theo TPO
Bình luận (0)