Lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức đang bước vào giai đoạn cuối. Tuần này, do một số báo cáo viên, học viên bận tổ chức hội đồng thi học sinh giỏi quốc gia nên lớp tạm nghỉ ngày thứ ba và thứ năm, thứ bảy vẫn học như đã thông báo. Lịch học sẽ kéo dài qua tuần sau. Lớp học đã trải qua hai tuần với nhiều nội dung hữu ích, cập nhật được một số thông tin quản lý giáo dục tiên tiến của các nước phát triển.
Đánh giá về công tác tổ chức lớp, phương pháp truyền đạt và chất lượng thông tin được trao đổi giữa báo cáo viên và học viên, Giám đốc Huỳnh Công Minh cho rằng rất tốt. Ông cũng đề nghị tất cả hiệu trưởng cần tham gia lớp học, trước tiên là hiệu trưởng THPT và các trưởng phòng GD-ĐT. Đây là lớp đầu tiên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà trường do Sở GD-ĐT TP chủ động tổ chức dựa trên nội dung bồi dưỡng của các chuyên gia nước ngoài mà báo cáo viên đã được tập huấn mới đây. Sau lớp bồi dưỡng cho nhóm cán bộ nòng cốt này, Sở sẽ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng rộng rãi đến tất cả cán bộ quản lý của ngành GD-ĐT thành phố, chuẩn bị nhân sự cho kế hoạch thực hiện chiến lược đổi mới giáo dục giai đoạn 2010-2020 sắp tới.
Cán bộ quản lý nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng, có vị trí vai trò hết sức quan trọng. Họ được ví như những nhạc trưởng, con chim đầu đàn của tập thể sư phạm. Thực tế cho thấy cùng điều kiện như nhau, trường học nào có hiệu trưởng tốt, năng động, hiểu biết và vận dụng được khoa học quản lý thì trường đó khởi sắc, chất lượng dạy học, giáo dục lên cao.
Vì tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nói chung, hiệu trưởng nhà trường nói riêng mà những năm trước đây Bộ GD-ĐT đã có hẳn một thông tư (Thông tư 840) về quy chế tổ chức và hoạt động hệ thống trường cán bộ quản lý giáo dục, từ trung ương đến các tỉnh, thành phố. Mục đích của loại hình trường này là “bồi dưỡng có tính chất đào tạo” khoa học quản lý giáo dục, kỹ năng và nghiệp vụ quản lý trường học cho đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ kế cận. Được trang bị tốt kiến thức và kỹ năng quản lý trường học, nhìn chung đội ngũ này đã làm tốt công tác quản lý nhà trường theo yêu cầu của giai đoạn thực hiện cải cách giáo dục trong các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.
Cách đây không lâu, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư cũng đã định hướng nhiều giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; trong đó nhấn mạnh đến vị trí vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường trước tình hình mới. Gần đây, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, trong nhiều lần phát biểu về đội ngũ nhà giáo, cũng đã nhấn mạnh vị trí quan trọng của đội ngũ hiệu trưởng. Ông cũng đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức lớp bồi dưỡng công tác quản lý cho hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng. Mô hình này đang được nhân rộng trong cả nước.
Bước vào giai đoạn giáo dục hội nhập, phát triển, công tác quản lý giáo dục cần được đổi mới, tăng cường. Vì thế cần củng cố lại trường (hoặc khoa) cán bộ quản lý và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý một cách bài bản. Nội dung chương trình và phương thức bồi dưỡng cũng cần được xem xét, chỉnh lý và cập nhật cho phù hợp tình hình mới của ngành, của đất nước.
Nhuận Đức
Bình luận (0)