Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Coi trọng tập huấn cán bộ coi thi THPT QG

Tạp Chí Giáo Dục

Coi thi là việc rất quan trọng trong các kỳ thi nói chung, từ các cấp phổ thông (PT) đến cả bậc sau ĐH, là công đoạn đầu tiên thể hiện một kỳ thi có quy củ, có khoa học, có nghiêm túc hay không, nhằm đánh giá đúng chất lượng của thí sinh (TS) và tuyển chọn được các TS có chất lượng thật sự. Nhưng, nhiều năm nay, việc coi thi ở các cấp học bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Kỳ thi nào cũng có nhiều cán bộ coi thi (CBCT) lúng  túng về nghiệp vụ, vi phạm quy chế, một số người bị xử lý kỷ luật. Đối với kỳ thi THPT quốc gia, nhằm xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường CĐ-ĐH để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, thì việc tập huấn CBCT lại càng là một công việc rất hệ trọng.

Mỗi năm, chúng ta phải sử dụng hàng vạn lượt CBCT tuyển sinh ĐH-CĐ (những năm trước) và vài năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Một số ít sở GD ĐT, các trường THPT và trường ĐH-CĐ tổ chức khá tốt việc tập huấn CBCT, nhưng nhiều địa phương chưa làm nghiêm túc việc này. Cho dù có tập huấn nghiệp vụ coi thi, nhưng nhiều CBCT chưa đáp ứng được yêu cầu công việc và còn có tâm lý chủ quan. Đấy là chưa kể đến các yếu tố khác, ảnh hưởng đến chất lượng thi cử.

Kinh nghiệm cho thấy: Không nên dùng sinh viên (SV) ĐH-CĐ làm CBCT; mà phải là giáo viên từ bậc THCS đến giảng viên các trường ĐH-CĐ. Bởi vì, SV ĐH-CĐ thường nể nang và… “cảm thông”(?) với các TS, nên hầu hết không thực hiện đúng quy chế coi thi. Nhiều giáo viên PT còn non yếu về nghiệp vụ coi thi. Nhiều trường ĐH-CĐ lại dùng cả nhân viên hành chính, kế toán, văn thư, nhân viên bảo vệ làm CBCT, nhưng không tập huấn kỹ cho họ, nên thường xảy ra những sai sót. Thậm chí, ngay cả một số giảng viên ĐH-CĐ đã có ít nhiều năm trong nghề, vẫn vi phạm quy chế coi thi.

Quy chế coi thi quy định rõ những điều CBCT và TS phải thực hiện. Những nội dung chính của quy chế, là: Trước ngày thi chính thức, CBCT phải được tập huấn kỹ lưỡng về quy chế coi thi; sau đó hướng dẫn chu đáo cho TS về quy chế thi, đồng thời làm tiếp những việc thuộc thủ tục hành chính đối với TS. Quan trọng nhất, là các công việc trong mỗi buổi thi. Từ việc CBCT ghi số báo danh trên bàn của TS (mỗi buổi thi, lại có một cách đánh số báo danh khác nhau); gọi TS vào phòng thi và kiểm tra nhân dạng qua ảnh dán trong thẻ dự thi; phát giấy thi và giấy nháp cho TS; bóc bì đựng đề thi khi có hiệu trống và phát đề cho TS, đến việc thu bài, cho TS ký vào danh sách dự thi, và CBCT sau khi kiểm tra các khâu một cách kỹ lưỡng thì nộp túi đựng bài thi (có dán niêm phong và có chữ ký của 2 CBCT) cho ban thư ký của địa điểm thi. Quy chế thi nói rõ việc xử lý các sai phạm: Đối với TS, từ mức độ nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo, đến mức đình chỉ thi (ngay sau khi phát đề thi, nếu phát hiện TS mang tài liệu, “phao”, điện thoại vào phòng thi, thì TS đó bị đình chỉ thi). Đối với CBCT, có thể bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, bị đình chỉ coi thi, hạ bậc lương hoặc đến mức buộc thôi việc!

Tuy nhiên, nhiều CBCT – thường là giáo viên các trường PT – lại rất chủ quan với quy chế coi thi. Trước ngày thi, khi được hướng dẫn quy chế, nhiều CBCT rất mất trật tự. Họ cho rằng: mình đã coi thi nhiều lần ở các trường PT, hoặc coi thi ĐH-CĐ, nên công việc coi thi có gì là lạ? Đây là điều rất sai lầm. Coi thi tuyển sinh ĐH-CĐ (trước đây) và kỳ thi THPT quốc gia hiện nay có nhiều điểm khác biệt với các kỳ thi ở bậc PT; và mỗi kỳ thi, có những diễn biến phức tạp khác nhau. Chẳng hạn như việc thi hộ, thi kèm, việc sử dụng “phao” rất tinh vi, chép bài thi của nhau hoặc đánh tráo bài thi, sử dụng các phương tiện nghe nhìn và các dụng cụ nguy hiểm để đe dọa các TS khác (nếu không cho họ chép bài), hoặc đe dọa CBCT… Có nhiều CBCT dày dạn kinh nghiệm mà cũng không phát hiện được TS chép “phao” (chưa kể lý do: TS đó là người được “bảo lãnh”?!). Ngay cả việc CBCT ký tên vào tờ giấy thi của TS, cũng có nhiều người vi phạm. Trước khi phát giấy thi, chỉ có CBCT số 1 ký và ghi rõ họ, tên mình vào giấy thi; còn CBCT số 2 chỉ ký tên và ghi rõ họ tên mình vào tờ giấy thi khi TS đã ghi đầy đủ các dữ liệu vào phần “phách” và đã viết được một số dòng. Việc thu bài thi của TS cũng có nhiều điều phức tạp; trong đó, CBCT phải kiểm tra lại phần “phách” xem TS đã ghi đủ và có đúng hay không, CBCT nhận bài rồi mới cho TS ký tên vào danh sách của buổi thi; rồi việc xếp bài thi theo số thứ tự từ nhỏ đến lớn, cho vào túi đựng bài thi kèm theo danh sách TS, dán giấy niêm phong túi bài thi có đủ chữ ký của 2 CBCT. Có CBCT còn để mất bài thi, gây ra nhiều phiền phức. Việc coi thi các môn trắc nghiệm còn phức tạp và phải thận trọng nhiều hơn.

Một hiện tượng thường xảy ra trong các buổi thi, là: không ít CBCT tỏ ra dễ dãi, “thông cảm”(?) với TS; muốn chứng tỏ mình là người “đầy lòng nhân ái”(?), nên đã bỏ qua nhiều vi phạm của TS, thậm chí vi phạm nghiêm trọng như việc sử dụng “phao”, điện thoại! Thậm chí có người còn “gà bài” cho TS! Một số CBCT còn làm việc riêng trong lúc coi thi. Đáng lo ngại là có một số CBCT nằm trong các “đường dây” coi, chấm thi bất chính, đã chủ động bố trí chỗ ngồi thuận tiện cho các TS mà họ “đỡ đầu”(?) và tạo điều kiện cho các TS này quay cóp. Điều này, may ra chỉ có “Tề Thiên Đại Thánh” mới có thể phát hiện được!

Coi thi tốt nghiệp THPT quốc gia là khâu đầu tiên rất quan trọng trong cả quy trình: coi – chấm thi – xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, nhằm đảm bảo sự nghiêm túc cho kỳ thi, để kỳ thi có chất lượng và tạo sự công bằng cho các TS. Các địa phương và các điểm thi phải hết sức coi trọng việc tập huấn cho các CBCT, để họ làm tốt nhiệm vụ.

Đào Ngọc Đệ i hc Hi Phòng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)