Trong tham luận tại một hội thảo về chuẩn hóa và hội nhập quốc tế giáo dục ĐH mới đây, GS.TS Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định, bên cạnh các xếp hạng quốc tế theo chuẩn mực học thuật và nghiên cứu, thế giới hiện đã bắt đầu xếp hạng các trường ĐH theo mức độ kiếm việc làm của người tốt nghiệp.
Sinh viên ĐH ở TP.HCM tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội tuyển dụng |
Mặc dù trước đó, chức năng này thậm chí đi ngược lại tôn chỉ ban đầu của các trường ĐH đầu tiên của châu Âu thời Trung cổ là không vì mục đích kiếm tiền hay mục đích tìm việc làm. Hơn 300 năm sau khi xuất hiện, chức năng này càng trở nên quan trọng, trở thành tiêu chuẩn bắt buộc để đánh giá hiệu quả của các trường ĐH.
Các định hướng chính sách gần đây của Việt Nam ngày càng coi trọng về sự đáp ứng của giáo dục ĐH đối với khả năng tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Theo đó, trong tham thuận, GS. Lộc dẫn số liệu chỉ ra một thực tế, trên toàn thế giới số lượng người trẻ tuổi không có việc làm cao hơn ba lần so với thế hệ của cha mẹ họ trước đây. Ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Nam Phi, hơn một nửa số thanh niên thất nghiệp, mức độ thất nghiệp 25% hoặc nhiều hơn là phổ biến ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính trên toàn thế giới hiện nay có 75 triệu thanh niên thất nghiệp. Nếu tính cả số thanh niên thiếu việc làm thì con số này có khả năng sẽ tăng gấp ba. Châu Á cũng có hơn 30% những người trong độ tuổi từ 15-24 không ở trong việc làm, giáo dục hoặc đào tạo. Những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao là Indonesia (25%), Philippines (30%), và Tuvalu (50%)…
Ngược lại với thất nghiệp, lại có hiện tượng thiếu hụt nhân lực cho nhiều vị trí làm việc. Theo đó, chỉ 43% người sử dụng lao động cho rằng họ có thể tuyển đủ nhân lực cho các vị trí làm việc. Đây không chỉ là khó khăn tạm thời; trong thực tế, nó có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều. Viện Toàn cầu McKinsey ước tính vào năm 2020 sẽ có một sự thiếu hụt trên toàn cầu của 85 triệu nhân lực có trình độ cao và trung bình.
Trong khi đó, 3 liên đới quan trọng của vấn đề này là nhà tuyển dụng, nhà đào tạo và những người trẻ lại nhìn nhận việc này hoàn toàn khác nhau. Gần một nửa số thanh niên và nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp được chuẩn bị đầy đủ để bắt đầu làm việc. Trong khi có tới 72% các nhà đào tạo (trường ĐH/CĐ) tin rằng sinh viên mới tốt nghiệp sẵn sàng làm việc. Khoảng 1/3 người sử dụng lao động nói rằng họ không bao giờ giao tiếp với các trường học, nếu có xây dựng quan hệ thì rất ít hình thức có hiệu quả. Trong khi đó, hơn 1/3 trường học thừa nhận không thể ước tính tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Sinh viên có rất ít thông tin, hơn một nửa trong số họ nói rằng chọn ngành học mà chưa có hiểu biết cặn kẽ về việc làm, mức lương tốt…
Liên hệ Việt Nam, GS. Lộc cho rằng Việt Nam không ngoại lệ trong bức tranh chung của mối quan hệ giáo dục ĐH – việc làm của khu vực và quốc tế. Đến quý 4 năm 2017, cả nước có gần 54,1 triệu lao động có việc làm và khoảng 1,11 triệu lao động thất nghiệp. Số lao động thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên hiện đã chiếm tới 49% tổng số lao động thất nghiệp cả nước. Thế nhưng, một khảo sát dành riêng cho các giám đốc điều hành tại Việt Nam cho thấy 40% trong số họ gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự trên các cấp độ, các ngành và nghề nghiệp khác…
“Mặc dù so với quốc tế, mức độ thất nghiệp và thiếu hụt nhân lực của Việt Nam chưa đến mức độ báo động, song với nền giáo dục ĐH còn nhiều khiếm khuyết kể cả khía cạnh quy mô và chất lượng, cần có nhiều nỗ lực vượt bậc. Các nỗ lực này cần được triển khai đồng bộ ở ba khía cạnh lớn, đó là nâng cao hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục ĐH; hoàn thiện quản lý các trường ĐH công lập thông qua thúc đẩy tự chủ và chịu trách nhiệm; tăng cường phối hợp các tác nhân đối với giáo dục ĐH”, GS. Lộc đề xuất.
T.Trân
Bình luận (0)