Vi khuẩn Bacillus cereus có sẵn trong gạo do bị nhiễm từ đất trong quá trình trồng trọt và thu hoạch lúa có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Cơm nguội có thể gây ngộ độc
Tuy vậy, nguy cơ này chỉ thật sự có tác dụng khi vi khuẩn Bacillus cereus được nuôi dưỡng trong… cơm nguội. Vì nó không bị tiêu diệt trong quá trình đun cơm chín mà sẽ chuyển sang tồn tại ở dạng bào tử để tự vệ. Điều này đã được các nhà nghiên cứu của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh khẳng định.
Nếu cơm được ăn ngay sau khi nấu thì bào tử Bacillus cereus không có cơ hội phục hồi. Nhưng nếu để cơm nguội dần ở điều kiện bình thường thì Bacillus cereus có thể hoạt động trở lại và sản sinh ra một số độc tố.
Thời gian để cơm nguội càng dài thì lượng độc tố và vi khuẩn càng nhiều. Dù có rang hoặc hâm lại cơm cũng không thể loại bỏ được các độc tố này, cũng như không tiêu diệt được vi khuẩn.
Người ăn phải cơm nguội nhiễm khuẩn Bacillus cereus sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn trong từ 1 đến 6 giờ sau khi ăn. Tiêu chảy có thể xuất hiện sau từ 10 đến 12 giờ. Đối với những người khỏe mạnh, các triệu chứng trên sẽ chấm dứt sau từ 12 giờ đến 24 giờ. Nhưng với người già, trẻ em hoặc người có sức khỏe yếu, đang mắc bệnh thì vấn đề có thể nghiêm trọng hơn do bị mất nước.
Bảo quản cơm thế nào?
Để tránh nguy cơ ngộ độc do cơm nguội, tốt nhất là nên nấu đến đâu ăn đến đó, không nên nấu quá nhiều cơm để thừa sang bữa sau hoặc nấu trước khi ăn quá lâu. Nếu nấu xong chưa ăn ngay thì nên giữ nhiệt độ cơm ở mức 60oC để ngăn vi khuẩn Bacillus cereus phát triển trở lại.
Cơm còn thừa nên tìm cách làm nguội thật nhanh chóng trong vòng không quá 1 giờ (tãi ra hoặc ngâm phần ruột nồi cơm vào nước mát) rồi cất ngay vào ngăn mát tủ lạnh. Dù bảo quản bằng tủ lạnh cũng không nên để cơm quá một ngày. Không hâm lại cơm 2 lần.
ĐỨC HUY (tổng hợp)
Bình luận (0)