Tòa soạnThư đi – tin lại

Cơm trước cổng bệnh viện: Mới thấy đã “dội”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng quán nhếch nhác trước Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

Trước cổng một số bệnh viện (BV) lớn tại TP.HCM, từ lâu xuất hiện nhiều xe cơm, cháo rất mất vệ sinh, thế nhưng nó vẫn mặc nhiên tồn tại.
1. Cổng chính BV Hùng Vương (đường Hồng Bàng, Q.5) ngoài những cửa hàng 5 trong 1 (cháo, cà phê, bánh kẹo, đồ chơi, đường sữa) còn có các xe cơm bán từ trưa đến tối. Cùng một vị trí nhưng buổi trưa, bà chủ này bán đến 2 giờ chiều là dọn đi nhường chỗ cho xe cơm khác. Ở các tiệm cơm tạm bợ thế này, thức ăn không chế biến tại chỗ mà được mang từ nhà ra. Thức ăn được chứa trong những chiếc bao nilon màu đen, bên ngoài vằn vện vết ố bẩn. Từng bao thức ăn khi mang ra được đặt xuống vỉa hè nhếch nhác cơ man nào là giấy vệ sinh, xương, thức ăn bẩn… Có khi cả giờ đồng hồ mới có người xách đổ ra khay. Khi đổ thức ăn ra khay xong, cô bé phục vụ mang những chiếc bao ấy lộn ngược lại, nhúng vào xô nước gần đó rồi máng lên sườn chiếc dù che nắng. Xe cơm thì khỏi phải nói, bùn đất, vết bẩn bám đầy thành xe, từ mặt trước ra sau. Tiệm cơm nằm sát đường, kế là một gốc cây cổ thụ, chính giữa là một giỏ rác to tướng. Hai bàn tay của bà chủ tiệm cơm lúc nào cũng dính đầy dầu mỡ, thức ăn. Khi có khách đến mua cơm, người bán quẹt quẹt mấy cái vào miếng giẻ lau bàn đen sì vắt bên hông xe rồi lấy thức ăn. Có loại thức ăn bà ta không cần phải dùng đến muỗng, đũa hoặc cây gắp mà “chơi” luôn bằng tay. Sau chừng nửa tiếng bày ra, ruồi bám đầy các khay thức ăn. Bà chủ vừa gắp thức ăn vừa huơ tay đuổi ruồi. Buổi chiều, cũng vị trí quán cơm cũ. Chiếc xe cơm khác cũng mất vệ sinh chẳng kém. Ông chủ đứng bán có mái tóc dài bó đuôi gà, người đen đúa trông rất dơ bẩn. Chưa hết, từ khủy tay đến đầu các ngón tay ghẻ chốc lớp đang kéo da non, lớp đang ra nước nhầy vàng. Lúc vắng khách, ông chủ tranh thủ đứng gỡ… ghẻ. Theo quan sát của chúng tôi, một dĩa cơm bán ở đây có giá từ 16.000-25.000 đồng. So với ở căng tin BV, giá này thấp hơn nhiều. Một phiếu cơm ở BV Hùng Vương có giá 25.000 đồng, phiếu cơm thêm 5.000 đồng và phần canh mỗi phiếu là 9.000 đồng. Như vậy, với thân nhân bệnh nhân nghèo ở các tỉnh thành, người lao động có thu nhập thấp, lựa chọn bữa cơm cho họ không thể là căng tin. Anh Nguyễn Văn Dũng (quê Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu) nói: “Vợ chồng tôi làm công nhân lương tháng chỉ ngót nghét 5 triệu đồng. Đưa vợ vô đây sinh nhưng vợ phải nằm lại dài ngày để theo dõi. Tiền viện phí, thuốc men tốn kém quá, biết ăn uống thế này không hợp vệ sinh nhưng đành nhắm mắt ăn cho xong bữa”.
2. 11 giờ trưa trước cổng BV Chợ Rẫy. Những chiếc xe cơm bắt đầu được đẩy tới. Xe cơm nhỏ nhưng thức ăn phong phú. Các khay thức ăn không được che đậy cứ thế đẩy từ cổng này sang cổng khác rồi tấp vào vỉa hè. Người phụ nữ đẩy chiếc xe như bay về hướng đường Thuận Kiều khi lực lượng thanh tra đô thị và công an phường xuất hiện. Vì đẩy xe nhanh, thức ăn đổ ra nham nhở, nước cá, thịt, canh chảy lênh láng ướt cả bánh xe. Dừng lại trước vỉa hè chỗ bãi xe của BV, chủ nhân của chiếc xe cơm dùng tay hốt thức ăn cả nước lẫn cái vào khay, xong chùi tay vào vạt áo rồi đẩy xe đi tiếp. Dưới chân cầu vượt đường Nơ Trang Long (khu vực BV Nhân dân Gia Định và BV Ung bướu) buổi trưa cũng như chiều tối lại xuất hiện những hàng cơm di động. Không giống ở các BV khác, hàng cơm này có “thiết kế” gọn, nhẹ. Người bán cho cơm, đồ xào hoặc rau luộc, nước mắm và thức ăn vào trong hộp, đựng trong chiếc giỏ nhựa, bên ngoài bọc bao nilon màu đen. Theo người bán, “ngụy trang” bằng cách đó mới dễ lọt vào trong BV để bán. Một hộp cơm ở đây có giá khá mềm, từ 15.000-22.000 đồng, tùy món. Bà Nguyễn Thị Thư (Cần Đước, Long An), chăm sóc con đang mắc bệnh ung thư vú ở BV Ung bướu mách nước: “Mua cơm của những người này rẻ nhưng chất lượng thì hên xui. Có lần tôi mua về phải bỏ vì cơm có mùi thiu, còn thức ăn thì đã đổ nhờn…”. 
3. Cơm bụi trước cổng BV Bệnh nhiệt đới cũng được liệt kê vào danh sách không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 5 giờ chiều, chiếc xe hàng ăn gồm hủ tiếu, bánh canh, cháo và cơm được đẩy tới gần cống thoát nước, trước là một điểm tập kết rác bốc mùi nồng nặc. Chủ xe vừa đặt chiếc bàn nhỏ xuống vỉa hè, ba người khách, trong đó có hai bệnh nhân đến ăn cháo. Ăn chừng vài muỗng, người này nhìn người kia lắc đầu vì cháo quá dở, liền đứng dậy tính tiền. Bà chủ quán dọn bàn, cả ba tô đều còn hơn phân nửa, chị đổ vào nồi cháo trên xe rồi cho thêm miếng bột ngọt, muối?!?
Bài, ảnh: Trần Anh
BS. Nguyễn Quang Thắng, Khoa Nội tiêu hóa, BV Việt Pháp cho biết: “Thức ăn được bày bán trước cổng các BV thường không được che đậy, để khói bụi, ruồi nhặng bám vào. Đó là chưa kể quá trình rửa, chế biến thực phẩm không đúng quy cách, người ăn dễ bị đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc và nguy hiểm nhất là các bệnh truyền nhiễm có cơ hội lây lan”. 
 

Bình luận (0)