Ngày trước cha tôi thường dặn “chậm thôi con, khoanh tay cúi chào người lớn phải thành khẩn, có như thế mới là lễ phép” khi tôi mải chơi hay chào qua loa cho có khi gặp người trên. Khi đó, tôi không hiểu hết những gì ông nói, chỉ biết rằng “Gặp người trên đứng lại khoanh tay chậm rãi cúi chào là đạo của bậc hậu sinh nha con. Và luôn nhớ hạ mũ (nón) cúi đầu khi gặp đám tang”. Suốt thời tuổi trẻ ở vùng quê đất Nghệ tôi thực hiện răm rắp và thành phản xạ. Đâu biết rằng đó là nét đẹp của người Việt xưa và lề thói tôn trọng người trên cũng như người đã khuất…
Giờ đây, hằng ngày tại trường học, may mắn một số ít học sinh trường tôi vẫn còn giữ văn hóa đẹp đó, tuy ít nhưng rất quý (còn ra khỏi cổng trường thì rất hiếm thấy). Giờ ra chơi, giờ ra về các em khoanh tay chào thầy cô. Tuy có giảm nhiều “thời gian” cho một lần chào như vòng tay vội, vừa bước đi vừa cúi chào, hay câu chào vắn tắt “thầy”, “cô” thay cho “em chào thầy”. Dù sao, phụ huynh vẫn còn dạy con cái giữ nét đẹp tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới là điều đáng quý, đáng trân trọng.
Ta vẫn thấy đâu đó trên truyền hình, người Nhật, người Hàn gặp nhau đều dừng lại cúi chào nhau. Đừng nói đó là hủ tục lỗi thời, mất thời gian vì quốc gia họ là nước phát triển, không thể quy chụp cho rằng hành vi văn hóa đó nên bỏ.
Có lẽ sẽ quá đáng và áp đặt nếu bắt trẻ con và trường học dạy trẻ phải khoanh tay cúi chào như trước đây. Song việc giáo dục và đề cao văn hóa lễ phép là điều cần thiết khơi lại nơi gia đình và nhà trường. Không thể cho rằng gần 19/22 triệu gia đình có “chứng nhận” gia đình văn hóa làm chuẩn và nghĩ xã hội mình đã có nếp văn hóa. Những hành vi trước đây được đưa vào sách giáo khoa, là quy chuẩn xã hội và nếp sinh hoạt gia đình thì nay có phần thiếu đi. Chúng ta không đổ thừa cho kinh tế thị trường làm đảo lộn văn hóa, nhưng phải thấy thách thức đó mà suy tư cho nền quy chuẩn xã hội. Ở các nước phát triển họ cũng trải qua một thời gian “chuyển tiếp” và “đấu tranh” giữ lại nét văn hóa như chuẩn mực giao tiếp xã hội. Điều đó được nhắc tới trong các tiểu thuyết kinh điển của thế giới như Rừng Na Uy của Haruki Murakami; Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) của nhà văn F. Scott Fitzgerald; Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của Patrick Modiano… Những tác phẩm nổi tiếng này phơi bày một khía cạnh nào đó của giai đoạn mò mẫm, lạc lối của người trẻ đi tìm giá trị thực ở đương thời.
Hy vọng rằng, những chuẩn mực văn hóa trong xã hội sẽ được thiết lập một cách phù hợp, dù có khơi lại, dùng nguyên tắc và hành vi ở thời kỳ trước đây.
Nguyên Minh Thanh (TP.HCM)
Bình luận (0)