Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Con anh, con tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Hình mang tính minh họa

Trước khi về sống chung dưới một mái nhà, anh Lương (góa vợ), đang nuôi đứa con trai lên 10. Còn chị Vân (đã ly dị chồng) cũng đang nuôi cậu con trai 5 tuổi. Dù rất sợ cảnh “con anh, con tôi” nhưng cuối cùng vì tình yêu họ cũng đến với nhau.
Chuyện thường ngày
Khi về ở chung, anh Lương luôn chăm sóc bé Cường (con riêng của chị Vân) mà quên đi mình cũng có đứa con trai đang “tuổi ăn tuổi lớn”. Mỗi lần đi làm về, anh Lương thường ôm bé Cường nựng nịu. Thấy vậy, mắt Trọng (con anh) cứ cay xè, rồi lầm lũi bỏ đi ra ngoài. Chị Vân nhắc thì anh lại gạt đi: “Úi dào! Nó đã lớn rồi, tự biết chăm sóc cho bản thân”. Và để Trọng khỏi tủi, chị Vân đã an ủi chăm sóc nó nhiều hơn.
Chuyện bắt đầu nảy sinh khi chị Vân có bầu. Trong khi đó anh Lương lại liên tục đi công tác xa nhà. Trọng gần như “chim sổ lồng”, suốt ngày lêu lổng và không ít lần đánh Cường. Thấy vậy, chị Vân trách Trọng sao không chịu nhường em. Một lần khác, Trọng “chôm” tiền dành đi chợ của mẹ kế và đi chơi cả ngày. Khi Trọng về nhà, chị Vân la thì Trọng lên giọng: “Cô có phải là mẹ tôi đâu mà dạy tôi”. Nói xong, Trọng ôm quần áo bỏ về nhà nội.
Bên nội nghe cháu kể câu được câu mất, lại nghi ngờ con dâu ruồng bỏ con chồng. Khi anh Lương đi công tác về, họ gièm pha chị Vân, cho rằng mấy đời “bánh đúc có xương”.
Anh Lương nghe chuyện từ gia đình nên cáu gắt với vợ, nhiều lúc vợ chồng cãi nhau bởi những chuyện cỏn con. Không khí gia đình ngày càng nặng nề hơn. Nhiều lúc chị Vân nghĩ quẩn: “Điều tôi lo nghĩ trước kia về làm vợ anh lại trở thành sự thật. Cuộc hôn nhân thứ hai mà tôi cố gắng tạo dựng lại sắp tan vỡ chỉ vì không dung hòa được mối quan hệ con riêng”.
Đâu là lối ra?
Trong lúc buồn rầu, chị nhớ đến lời mẹ dặn: “Phải biết yêu thương, đối xử công tâm, thậm chí còn phải hy sinh rất nhiều mới được hạnh phúc” nên chủ động làm lành với chồng.
Chị nói với chồng: “Đâu phải em không thương thằng Trọng mà cái chính là dạo này em quá bận, ít gần gũi quan tâm đến nó, lại thêm tính khí nóng nảy nên hay cáu gắt”. Nghe vợ tâm sự, anh Lương cũng nhận ra sự thiếu sót của mình. Lâu nay anh cứ đi cả ngày, khoán trắng cho vợ từ việc chăm sóc con cái đến chuyện gia đình. Lại thêm lúc này vợ sắp sinh nên anh chỉ lo kiếm tiền, cứ nghĩ có tiền đầy đủ thì gia đình sẽ hạnh phúc, nào ngờ…
Sau đó, anh Lương về quê đón thằng Trọng lên, cha con ân cần trò chuyện, khuyên nó xin lỗi chị. Thằng Trọng xin lỗi, nhưng trong lòng vẫn khép nép dè chừng với mẹ kế. Chị cũng hiểu được điều đó nên cố gắng nhỏ nhẹ trong từng lời ăn tiếng nói, chăm sóc nó từng miếng ăn giấc ngủ. Chị muốn cho Trọng thấy được tình thương chị dành cho nó là thật sự chứ không phải chỉ để lấy lòng ba nó. Mối quan hệ trong gia đình họ dần trở nên dung hòa…
Tại phường Trường Thạnh (Q.9, TP.HCM), mọi người vẫn biết đến gia đình bà Lan như một điển hình về “con chồng và mẹ kế”. Bà Lan kể: “Ba mẹ tôi là hai người “rổ rá cạp lại” lúc tôi mới lên 14 tuổi, còn Hạnh (con riêng của mẹ tôi) mới lên 5. Ba mẹ tôi không có con chung nên tình cảm của họ đều dành hết cho tôi và em Hạnh. Cho đến bây giờ chị em tôi vẫn thương nhau như là chị em ruột… Tôi chưa thấy người mẹ kế nào thương con chồng như mẹ kế của tôi. Một lần tôi vô tình làm bể chiếc bình hoa pha lê, trong cơn nóng giận, ba lấy thanh củi phang vào người tôi một nhát, may mà có mẹ kế lao vào đưa lưng ra đỡ thay…”.
Trong cuộc sống chung không thể tránh khỏi những trở ngại, nhất là những gia đình “rổ rá cạp lại”. Tuy nhiên chỉ cần bỏ qua tính ghen tuông ích kỷ, thực sự yêu thương nhau thì hạnh phúc sẽ đến với mọi người.
(tên nhân vật đã được thay đổi)
Thái Khuê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)