Từ cuối năm 2008 đến nay, ngành xây dựng Nga chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ cơn bão khủng hoảng kinh tế. Các công trình không được quyết toán, chủ người Nga không có tiền khiến chủ thầu Việt Nam không được thanh toán và công nhân không có lương.
Công nhân xây dựng Việt Nam tranh thủ tắm luôn bằng nước để xây dựng công trình. |
Do sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng nhà cửa, đường sá và các công trình dân dụng tại Nga trong những năm gần đây, nhu cầu về lao động xây dựng tăng lên đột xuất. Thợ xây dựng Việt Nam có mặt trên hầu khắp các thành phố lớn của đất nước này nhưng tập trung chủ yếu ở ngoại ô Moscow, nơi hiện có trên 420 cụm công trình xây dựng nhà ở bao gồm hàng nghìn ngôi nhà cao tầng và hệ thống dân sinh khép kín.
Thợ xây dựng Việt Nam được tuyển dụng sang Nga chủ yếu theo con đường của các công ty tư nhân và dịch vụ.
Chưa có con số thống kê về số lượng thợ xây dựng Việt Nam trên các công trường rộng lớn nhưng trên cơ sở thông tin của các điểm dịch vụ và các chủ xây dựng thì con số phải tới hàng nghìn người. Thợ xây dựng làm việc dưới quyền quản lý của đốc công Việt Nam. Đốc công do chủ thầu trong nước thuê, kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch, tiếp phẩm và quán xuyến các sinh hoạt của công nhân.
Các chủ thầu Việt Nam ký hợp đồng làm trọn gói các công trình nhỏ, hoặc các công đoạn của một công trình lớn. Do không có tay nghề, hoặc tay nghề không đáp ứng yêu cầu của công trình, thợ xây dựng Việt Nam chỉ đảm nhận việc đào móng, bốc gạch, trộn vữa, xây thô và lắp ghép các cấu kiện đơn giản. Một số thợ có tay nghề cao sẽ được tuyển dụng làm công trình trọn gói tầm trung bình theo những hợp đồng riêng lẻ.
Vào mùa hè, công việc của thợ xây dựng tương đối thuận lợi, nhưng về mùa thu, xuân và suốt mùa đông, khi thời tiết lạnh từ -1 đến -15 độ, thì làm việc ngoài trời và ở các khu vực không khép kín là cả một cực hình.
Chỗ ở của thợ xây dựng không cố định, có khi là một góc công trình đang làm dở, có khi là hành lang, có khi ở lều bạt ngoài trời. Trong điều kiện thời tiết mùa đông ở Nga, sống không có nước nóng, lò sưởi, chăn đệm không đủ ấm thì ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ. Có người suốt cả mùa đông không thể tắm vì không thể đun nước nóng, không có nhà tắm nơi công trình đang làm. Nhiều thợ xây dựng mắc những căn bệnh hiểm nghèo như viêm phổi cấp, viêm khớp và bệnh ngoài da.
Tuy công việc nặng nề, nhưng ở vào thời điểm năm 2007 đến đầu 2008, thợ xây dựng có thu nhập tạm ổn. Mức lương dao động khoảng 300 – 450 USD một tháng, họ có thể đảm bảo đủ ăn uống, trang trải một số nhu cầu và có tích luỹ. Do ở xa cộng đồng, thợ xây dựng không có sách báo và rất ít thông tin.
Từ cuối năm 2008 đến nay, ngành xây dựng chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ cơn bão khủng hoảng kinh tế, các công trình không được quyết toán, chủ người Nga không có tiền, chủ thầu Việt Nam không được thanh toán, dĩ nhiên công nhân không có lương.
Một số chủ thầu, đốc công Việt Nam đã phải lấy tiền riêng của mình để lo bữa ăn cho thợ, nhưng không thể lo mãi được. Từ sau Tết đến nay, tình hình rất xấu. Anh em không có lương, không có chỗ tá túc và hết hạn giấy tờ. Theo quy định của cơ quan nhập cư, sau một năm, người nước ngoài phải đăng ký lại hộ khẩu, làm lại visa và quyền lao động. Để hoàn tất được các thủ tục đó, thợ xây dựng phải có trong tay một khoản tiền không dưới 750 USD, một số tiền có thể nói là thợ xây dựng khó lòng có được.
Đa phần thợ xây dựng vì hết hạn giấy tờ, hàng ngày phải chui lủi tránh sự kiểm tra, muốn ở thì khó mà muốn về cũng không có tiền vé và visa xuất cảnh, “đi mắc núi, về mắc sông”. Hàng ngày nhiều thợ thất nghiệp quanh quẩn ở chợ Vòm, chợ Êmeral tìm đồng hương, tìm bất cứ một việc làm nào để lấy tiền sống qua ngày. Hàng trăm thợ chen chúc, vật vạ trong những quán ăn sau khi kết thúc công việc kinh doanh, làm chỗ ngủ, mỗi người phải nộp 150 rúp (tương đương 4,5 USD) một tối, để đến sáng ra lại đi tìm việc. Giữa ngày đông tháng giá, khi mà dân buôn bán ở các chợ cũng đang rơi vào khó khăn, thì những hy vọng về công ăn, việc làm là “vô kế khả thi”.
Bình luận (0)