Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Con cắc ké và trái mắt mèo…

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tiểu học bây giờ phải nói là ngoan, không nghe học sinh cá biệt nào dám bày trò trêu ghẹo giáo viên, nhất là các thầy cô mới ra trường như hồi cách đây trên dưi 40 năm. Lũ trẻ học sinh nhà quê tinh nghịch ưa bắt chước và thách thức lẫn nhau “quậy” theo kiểu “nhất qu, nhì ma, thứ ba… học trò”.

Trái mắt mèo (ảnh minh họa)

Giáo viên hồi đó gặp các trường hợp như thế này ai không kiềm chế được cơn nóng giận sẵn sàng phạt vài cây thước khẽ vào tay học sinh tinh nghịch mà không lo sợ phụ huynh thưa kiện đến ban giám hiệu nhà trường. Ngược lại, học sinh nào lỡ bị thầy cô phạt về nhà là “im như thóc” không dám nói ra cho ba mẹ biết. Có khi bị bạn bè trong lớp hay học cùng trường méc gia đình, ba mẹ mới biết, lúc ấy còn bị đánh đòn thêm; ngày hôm sau ba mẹ còn dắt con đến trường xin lỗi giáo viên, bảo “sao thầy cô không phạt roi cho nhiều hơn nữa để cho nó tởn mà bỏ tật quậy phá”. Dư luận thời đó cũng không chỉ trích, lên án gay gắt giáo viên đánh phạt học sinh như bây giờ.

Tôi nhớ lúc đó phân hiệu tôi dạy thuộc vùng sâu của một huyện ngoại thành TP.HCM, dạy ca chiều có 2 lớp: tôi dạy lớp 5, còn cô giáo Hà dạy lớp 4. Học sinh lớp nào cũng đông, thường trên 50 em một lớp. Cô Hà mới ra trường, ngày đầu tiên đến lớp không dạy gì được hết, học sinh hết chọc nhau ném phấn qua lại, vung cây bút mực cho mực văng dính áo bạn, hay lựa lúc bạn không để ý lấy giấy tập viết nguệch ngoạc mấy câu “tôi muốn lấy vợ”, “tôi muốn lấy chồng”… móc vào cổ áo, cột vào tóc, vào vạt áo rồi cười ồ lên… Nhìn cảnh tượng bát nháo như thế không có trong giáo trình của trường sư phạm dạy, cô Hà hết nói nhỏ lại nói to bảo học sinh im lặng, thước kẻ cô gõ cốp cốp lên mặt bàn mà học sinh trong lớp vẫn như “đàn ong vỡ tổ”. Cô Hà ổn định lớp mãi không được đành chạy qua lớp tôi dạy cầu cứu. Tôi bước qua lớp cô dạy chỉ cách lớp tôi khoảng 3 mét, tất cả học sinh đứng lên chào, tôi bảo các em ngồi xuống và nói: “Cô Hà nhà ở xa đến đây dạy học, vì thương các em ở quê còn thiếu thốn con chữ, sao các em không thương cô mà bày ra đủ trò làm cô dạy không được vậy. Thôi, ngày hôm nay cô trò làm quen như vậy được rồi, từ ngày mai các em học đàng hoàng nghen, có gì cô Hà nói với thầy là thầy phạt các em đó”.

Hôm sau, cô Hà vào đến cửa lớp nhoẻn nụ cười tươi chào học sinh, các em im lặng ổn định lớp chờ cô dạy bài học mới. Tiết tập đọc trôi qua nhanh, mặc dù cô Hà còn khớp nên dạy chưa được trôi chảy lắm. Dù chưa quen đứng lớp nhưng nhìn thấy học sinh chăm chú nghe cô giáo giảng bài, đưa tay xin phát biểu là cô mừng lắm, tâm trạng phấn chấn hẳn. Kết thúc tiết tập đọc, cô Hà mở tập giáo án xem bài soạn, lật sách giáo khoa nhẩm lại các bước dạy tiết toán kế tiếp. Cô bảo học sinh cất vở tập đọc, lấy vở toán ra chuẩn bị cho tiết học toán; còn cô kéo hộc bàn giáo viên cất sách tập đọc vào. Bỗng tôi nghe cô Hà hét toáng lên nên vội vàng chạy qua xem có chuyện gì xảy ra, thì thấy học sinh trong lớp nhốn nháo không biết chuyện gì làm cô giáo sợ. Cô Hà mặt xanh lè, miệng ấp a ấp úng, tay run run chỉ vào hộc bàn. Tôi cúi xuống nhìn vào hộc bàn thì thấy có con cắc ké chết nằm trong đó từ hồi nào. Tôi xử lý nhanh bằng cách xin cô Hà tờ giấy để cầm con cắc ké mang ra ném vào hàng rào trúc rồi động viên cô: “Không sao đâu, chắc con cắc ké vào đây kiếm thức ăn rồi bị kẹt ra không được nên bị chết”. Nói với cô Hà như vậy để cô yên lòng chứ trong lòng tôi dư sức biết có học sinh nào đó đang bày trò “quậy” cho cô giáo sợ.

Con cắc ké (ảnh minh họa)

Sau chuyện đó, một vài học sinh trong lớp cô Hà dạy biết tôi đang âm thầm theo dõi, điều tra xem ai là… đầu têu nên đã cung cấp thông tin cho tôi. Vì vậy tôi cơ bản biết được nội dung sự việc. Cụ thể: trước ngày cô Hà phát hiện con cắc ké chết trong hộc bàn thì có học sinh đã thấy bạn Dũng buổi sáng cầm giàn thun (cái ná) đi bắn cắc ké; bạn hỏi thì Dũng bảo là bắt cắc ké mang về nướng cho bà ngoại ăn để trị bệnh thận và đau lưng. Trong khi đó, Dũng thì học không lo, chỉ ham chơi lại lớn tuổi nhất lớp, khi bạn bè biết em bày trò gì đó trong lớp cũng không dám méc cô vì sợ “đi học về Dũng chặn đường đánh”. Cả tuần sau đó lớp cô Hà yên ắng, không còn xảy ra chuyện gì quá trớn làm cô phải lo lắng. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai đầu tuần, trong lớp lại xảy ra chuyện mà bản thân cô Hà không biết, đó là cô bị học sinh lấy trái mắt mèo trét lên bàn, lên ghế giáo viên. Khi cô Hà ngồi ghế bị dính lông trái mắt mèo gây ngứa da, lúc đầu cô ráng chịu đựng, lấy tay gãi nhè nhẹ cho học sinh không biết, không thấy, nhưng da càng ngứa buộc cô phải gãi mạnh hơn bằng hai tay, còn mặt thì đỏ ửng lên. Cô Hà chạy sang kể cho tôi biết chuyện, và nói chắc do trước khi đi dạy cô ăn trúng thức ăn gì đó nên bị dị ứng ngứa da khó chịu quá. Vì vậy, cô nhờ tôi giữ lớp giùm để cô về nhà mua thuốc uống. Tôi dạy thay cho cô buổi chiều đó. Tan học, tôi gọi Dũng lại, hỏi: “Ngoại em bị đau lưng mấy ngày nay, ăn thịt cắc ké nướng hết đau chưa? Em lên xe thầy chở về, sẵn tiện thầy ghé nhà thăm ngoại em một lúc”. Dũng còn đang ngỡ ngàng phân vân thì tôi nói tiếp: “Ai bày em trét lông trái mắt mèo lên ghế, lên bàn cho cô giáo hôm nay bị dính lông ngứa vậy? Thầy chở em về nhà thăm ngoại, sẵn méc ngoại em vụ con cắc ké với vụ trái mắt mèo để ngoại đánh đòn cho em biết thân”. Dũng nghe tôi nói như vậy có cảm giác sợ vì mọi chuyện em làm tôi đều biết hết, nhưng chưa bao giờ nêu tên em, hay phạt em trước lớp học. Dũng xin lỗi tôi mấy chuyện em làm vừa qua, và bảo tôi đừng méc ngoại với cô Hà, em hứa với tôi không tái phạm nữa. Tôi đồng ý với em sẽ giữ kín hai chuyện này.

Sau gần 40 năm xảy ra hai câu chuyện trên, tôi tình cờ gặp lại Dũng, em cho biết đang làm công nhân trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Dũng nhắc lại chuyện con cắc ké và trái mắt mèo: “Hồi đó không phải em ghét cô Hà, mà em làm vậy là vì có mấy anh trong xóm gần trường học để ý cô Hà đẹp; mấy ảnh chọc ghẹo cô mà cô không nói gì hết nên kêu em làm như thế để cô sợ. Khi em làm xong thì mấy anh mới cho em đá bóng chung, chứ thật ra em đâu có ghét gì cô Hà”.

Nghe Dũng nói, tôi ngẫm nghĩ, nếu ngày hôm đó tôi kể cho ngoại em nghe chắc bà sẽ đánh đòn em nhiều lắm, vì bà ghét mấy chuyện em chọc ghẹo mọi người trong xóm nói chi đến chuyện bày trò không hay với cô giáo đang dạy mình. Và tôi tin cô Hà đến giờ cũng không biết chuyện gì đã xảy ra với mình lúc đó. Nếu cô Hà đọc được bài viết này chắc cô sẽ ngạc nhiên lắm phải không? Chuyện con cắc ké và trái mắt mèo gần 40 năm trước mà học sinh lớp cô dạy tinh nghịch bày ra giờ là kỷ niệm khó quên với cô trong những ngày đầu tiên cô chập chững bước vào nghề dạy học.

Trần Văn Tám

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)