Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Con chỉ giỡn thôi mà!”

Tạp Chí Giáo Dục

Trống vừa báo giờ chơi đã hết, thầy giáo dạy tiếng Anh dắt X. – một học sinh nam lớp 5 – do tôi làm chủ nhiệm lên văn phòng. Vẻ mặt giận dữ, thầy chỉ nói ngắn gọn với tôi là X. hỗn láo với thầy rồi bỏ đi.

Tôi rất ngạc nhiên vì X. là một học sinh rất nghịch ngợm nhưng luôn lễ phép. X. chưa bao giờ có lời nói, thái độ vô phép với thầy cô, người lớn. Tôi hỏi lý do, X. trả lời trong tiếng nấc nghẹn. Tôi không nghe rõ sự việc, chỉ nghe được câu: “Con chỉ giỡn thôi mà…”. Tôi bảo X. đi rửa mặt cho bình tĩnh rồi về lớp học. Đợi X. trở lại bình thường, tôi mới hỏi lại sự việc. Cháu nói rằng thầy dạy tiếng Anh khi vào lớp dạy rất sôi động, hào hứng và thường hay nói chuyện đùa vui với cháu nên hôm nay ra chơi, cháu đã giỡn với thầy. Thầy bỗng dưng tức giận nói cháu hỗn láo và dắt cháu đến văn phòng. Tôi hỏi X. là đã giỡn thế nào mà thầy dạy tiếng Anh cho rằng cháu hỗn hào. X. trả lời: “Con đá thầy”. Câu trả lời của X. làm tôi suýt bật cười. Cháu quả là ngây ngô khi đùa giỡn đá vào khuỷu chân để thầy sụm chân xuống cho vui. Tôi nói với X. dù thầy dạy tiếng Anh rất trẻ tuổi, vui tính nhưng cách đùa giỡn với thầy như vậy là không đúng. Với bạn bè, cũng không nên đùa giỡn như thế vì đá như vậy sẽ làm dơ quần áo và nếu người bị đá té có thể gây thương tích. Tôi bảo cháu tìm thầy dạy tiếng Anh xin lỗi. X. đã ngoan ngoãn làm theo.

Sau đó, tôi đến gặp thầy dạy tiếng Anh kể cho thầy nghe rõ ràng mọi chuyện là “X. rất quý mến thầy, ngây thơ nghĩ thầy như bạn nên đùa giỡn không phải phép”. Tôi cũng khen thầy dù đi dạy chưa lâu nhưng đã cố gắng giữ bình tĩnh, không đánh X. lúc ấy…

Học sinh tiểu học thường có những suy nghĩ đơn giản, thiếu chiều sâu. Các thầy cô vui vẻ, thân thiện các cháu rất thích và đôi khi có lời nói, cử chỉ hành động dễ làm người lớn cho rằng các cháu vô lễ. Thực sự các cháu không hề có ý nghĩ xem thường thầy cô, người lớn.

Tôi chợt nghĩ, nếu lúc đó thầy dạy tiếng Anh quá giận, tát X. vì nghĩ rằng cháu hỗn láo, không biết mọi việc sẽ ra sao? X. sẽ không còn xem thầy dạy tiếng Anh là người thầy mà em quý trọng nữa. Chưa kể, X. là con cưng của gia đình. Ba mẹ X. có thể sẽ cho là thầy xúc phạm nhân phẩm học sinh. Nếu ba mẹ X. kiện thầy vì đánh học sinh, thầy sẽ nói rằng X. đã xúc phạm giáo viên. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ GD-ĐT nếu được áp dụng sẽ xử lý việc này thế nào cho thấu tình, đạt lý?

Quan hệ thầy – trò là một mối quan hệ đặc biệt. Mọi vấn đề xảy ra chỉ có xử lý bằng tình, bằng nghĩa thì mới có giá trị giáo dục cao trong môi trường sư phạm.n

Lê Phương Trí

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)