Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Con chữ” giữa đại ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ cuối: “Lâu đài” trong rừng
Chủ nhân của “lâu đài” đó không ai khác mà chính là những thầy giáo, cô giáo bám trụ dạy học ở vùng cao này. Và khi màn đêm núi rừng bao phủ, họ đã phải đối diện với nỗi buồn và sự cô đơn.





Normal
0


false
false
false







MicrosoftInternetExplorer4




K 1: p nhng ước mơ

K 2:Tt c cho ngày mai

Bước chân tình nguyện
Tiết học vừa kết thúc, bỗng một cơn mưa dông trái mùa đột ngột đổ xuống làm cho cô giáo trẻ Bích Ngọc không kịp xách “đồ nghề”, vội vàng chạy ra sau nhà tập thể ôm bó củi vào. Củi bị ướt, nên cô Ngọc phải mất đến 15 phút đồng hồ mới nhóm được bếp lửa cho nồi cơm chiều. Vì là cuối tuần nên hầu hết các giáo viên nam đều về quê, số thì đi tìm đồng nghiệp để “chén chú chén anh” xua tan sự im lặng của núi rừng. Chỉ còn lại nữ giáo viên ngại đường xa nên đành phải ở lại “lâu đài” của mình. Bữa cơm tối cuối tuần của tập thể giáo viên Trường THCS Đông Giang “sang” hơn bình thường với món gỏi khô đuối trộn xoài, canh khổ qua. Chỉ tay vào món khô đuối, cô Loan ngại ngùng giải thích với tôi: “Ở đây đường sá xa xôi, tụi chị hầu như chỉ ăn cơm với cá khô thôi, hôm nào có ai về thị trấn thì nhờ mang đồ tươi lên ăn được một ngày là cùng”. Kết thúc bữa cơm, các cô lại không biết làm gì, đành cùng nhau dán mắt vào chiếc tivi của thầy giáo Minh đưa ở gia đình lên, chốc chốc bị nhòe hình, mất tiếng…
Do đặc thù địa hình và môi trường ở vùng cao nên những giáo viên ở đây rất khó tìm được bạn đời. Đặc biệt là giáo viên nữ. Trong tổng số 20 giáo viên nữ của Trường THCS Đông Giang đến nay chỉ có 3 người có gia đình riêng.
Với thâm niên “cắm xã” hơn 8 năm, cô giáo Võ Thị Hằng Loan – Hiệu phó Trường THCS Đông Giang đã để lại biết bao dấu ấn trên miền sơn cước này. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, trở về quê hương với tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ và thấm thía được câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, và cô đã xung phong lên vùng cao này để dạy học. Thời gian đầu, thân gái dặm trường đã nhiều lần khiến cô dao động, nhưng với tình cảm của tập thể nhà trường, với lương tâm nghề nghiệp trước niềm khát khao con chữ của con em người dân vùng cao đã níu chân cô ở lại cho đến bây giờ. Cô tâm sự: “Lúc mới về trường, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, nên rất hào hứng để “băng rừng lội suối” đến với các em ở bản làng xa xôi, thế nhưng một thời gian mình như bị “đuối”. Rồi được sự động viên của đồng nghiệp, của lãnh đạo, nhất là khi nhìn những em học trò ở đây rất thiếu thốn so với đồng bằng nên mình lại phấn đấu”. Và cho đến giờ 30 xuân xanh đã trôi qua với 8 năm gắn bó với học trò vùng cao nhưng cô vẫn quyết tâm ở lại nơi này bởi cô “đã quen môi trường ở đây và thương các em học trò quá!”. Cùng chung “lý tưởng” với cô Loan, còn có cô Phạm Thị Thanh Hường đã 47 tuổi nhưng vẫn tình nguyện lên cắm bản dạy học. Cô Dương Lan Hương – Hiệu trưởng nhà trường vì có hai con ở thị trấn nên một tuần cô phải vượt đèo về nhà 3, 4 lần. Sáng mai cô lại thức dậy từ 4 giờ sáng để đến trường cho kịp với đồng nghiệp. Và nối tiếp thế hệ các cô là những “chủ nhân trẻ” mới về “lâu đài” được 1, 2 năm như cô Nga, cô Ngọc, thầy Minh… Khi tôi hỏi dự định của tương lai, cô Hương cười cho biết: “Có lẽ tụi mình còn nặng nợ với vùng đất này nên chưa có ý định xin chuyển về miền xuôi dù tiêu chuẩn đã quá dư so với quy định”.

Giáo viên và học sinh cùng vui đùa bên bếp lửa

Chuyện tình giữa đại ngàn
Tôi nhìn đồng hồ mới gần 7 giờ tối mà trong “lâu đài” của các cô tưởng chừng như đã hơn 12 giờ đêm. Bóng tối bao trùm, không gian tĩnh mịch lặng lẽ khiến không ít lần tôi phải giật mình bởi những tiếng gió đập vào cửa sổ. Bên ánh đèn điện, tôi được các cô kể về câu chuyện tình buồn của cô Loan. Trước khi lên Đông Giang, cô Loan đã có một mối tình đẹp và chuẩn bị lên xe hoa. Nhưng những ngày “tình nguyện” ở Đông Giang xa cách, một năm cô chỉ gặp được người yêu một vài lần. Vì lý tưởng gieo chữ mà cô không “nghe theo” người yêu là trở về đồng bằng. Không chờ được, người yêu của cô cũng đã nên duyên với người con gái ở thành thị. Quên đi nỗi buồn, cô tiếp tục đến những bản làng xa xôi dạy chữ cho học trò nghèo miền sơn cước, và từ đó đến nay, 8 năm gắn bó với học trò vùng sâu, cô giáo Loan tưởng chừng như không còn cơ hội tìm cho mình một mái ấm gia đình. Nhưng rồi giữa rừng già, trái tim thổn thức của người con gái tuổi xuân thì ấy cũng đã có “chàng hoàng tử” đến… đăng ký thường trú suốt đời. Còn thầy Lê Văn Sơn đã có thâm niên dạy ở Đông Tiến 3 năm. Trong một lần đi thăm trường bạn ở La Dạ trở về con tim thầy bị “nhúc nhích” bởi đôi mắt trong veo và gương mặt thuần khiết của cô giáo trẻ Minh Lý. Vậy là một tháng đôi lần, chàng giáo viên trung niên lại tìm cách vượt gần 30 km đường rừng lên thăm “đồng nghiệp trẻ”. Và bây giờ họ đã là một cặp rất xứng đôi. Khi chưa làm cán bộ quản lý, thầy còn thời gian một tháng đôi lần “xuyên rừng” lên thăm người yêu, còn hiện nay do đặc thù công việc nên “bữa thì anh tới, bữa thì em sang”.
Khi nghe chuyện này, cô giáo Nga vừa cười vừa nói: “Tụi mình cũng mong chờ một ngày nào đó có chàng hoàng tử băng rừng vào ngỏ lời. Nhưng chờ mãi mà không thấy ai, thất vọng quá anh ơi, có lẽ phải nhờ nhà báo giới thiệu thôi…”. Còn cô Ngọc thì cười cười: “Cũng mấy lần tụi em được đón khách lạ ở dưới xuôi lên chơi, nhưng họ thấy heo hút quá nên không quay trở lại nữa, chắc kiểu này tụi em… ế quá”. Riêng cô giáo Kim Oanh (Đông Tiến) thì lạc quan: “Chúng em đã chấp nhận lên đây thì phải chịu khó hy sinh vì học trò vùng này, song tụi em cũng phải lo nghĩ đến tương lai của mình. Riêng em còn đến 6 năm nữa mới đến tuổi 30, thời gian còn dài để hy vọng, đợi chờ và mơ ước…”.
Rồi sẽ có một ngày nào đó, núi rừng Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ sẽ vắng bóng dáng đội ngũ thầy cô giáo hôm nay để nhường chỗ cho thế hệ sau tiếp bước. Thế nhưng khi nói đến một ngày nào đó phải xa cách nơi đại ngàn này, các cô giáo không khỏi chạnh lòng lưu luyến. Ánh bình minh ngập tràn trên ngôi trường, bắt đầu một ngày mới, những chủ nhân của “lâu đài” lại tiếp tục lên lớp giảng bài cho học trò thân yêu của mình. Tạm biệt các cô, rời Đông Giang với ngút ngàn những cánh rừng hùng vĩ, chúng tôi luôn ám ảnh với những ánh mắt thân thương đầy nghị lực của các nữ giáo viên nơi vùng cao này.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)