Sự kiện giáo dụcTin tức

Con chữ lớn dần ở khu Mã Lạng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngọc Thúy đang hướng dẫn Ngọc Lệ ôn bài tại nhà

Tôi gọi khu Mã Lạng, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM là “miền đất chết” có lẽ không ngoa. Bởi, khoảng 10 năm về trước, nơi đây từng là “điểm nóng” về ma túy trên địa bàn thành phố. Hàng trăm thanh niên đã phải bỏ mạng, hàng ngàn phụ nữ đã phải vào tù vì ma túy. Và rất nhiều, rất nhiều gia đình phải ly tán…
Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2012. Đêm đêm ở Mã Lạng đã không còn những tiếng khóc ai oán vì có một gã xì ke mới chết, không còn cảnh bắt bớ, rượt đuổi mà thay vào đó là tiếng ê, a học bài của lũ trẻ – thế hệ mới của Mã Lạng. Người dân ở đây đã sống lương thiện hơn, “lá rách” đã biết đùm “lá nát”… Vâng! Tôi đã nhìn thấy sự hồi sinh của “miền đất chết”.
Đứa con của nữ tù nhân
Đi qua 3 con hẻm ngoằn ngoèo chật hẹp, cuối cùng tôi cũng tìm được ngôi nhà số 195 lô E. Nơi ấy cô học trò Nguyễn Ngọc Bảo Trân (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM) đang trú ngụ.
Gọi là nhà có vẻ hơi quá, bởi thật ra đó chỉ là một căn phòng hình chữ nhật, chiều dài khoảng 4 mét và chiều rộng chỉ hơn 1 mét. “Ngôi nhà” chưa đầy 5m2 ấy vừa là chỗ ngủ, chỗ ăn, chỗ tắm của 6 người và cũng là chỗ học của Bảo Trân cùng các em họ.
“Năm em học lớp 3 tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Q.1) thì mẹ bị bắt và bị phạt 20 năm tù giam về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy. Cũng năm đó ba bỏ em ra đi mãi mãi…”, Bảo Trân bắt đầu câu chuyện.
May mắn cho Bảo Trân là em không phải chứng kiến cảnh các chú công an còng tay mẹ giải ra xe đưa về trại giam. Nhưng khi nghe bà ngoại (đã mất cách đây 2 năm) kể lại, em không sao cầm được nước mắt. Đêm đó, em đã khóc rất nhiều. Những ngày sau đó Bảo Trân cứ nằm lì trong nhà, không thèm ăn uống và nói chuyện với bất kỳ ai. Và tệ hại hơn, Bảo Trân đã nghĩ đến việc bỏ học. Cho đến khi bà ngoại nói: “Cháu phải cố gắng, vì bây giờ cháu là chỗ dựa của mẹ”, Bảo Trân mới dần nguôi ngoai.
Khi Bảo Trân lên lớp 6 (Trường THCS Đức Trí, Q.1), em bắt đầu phải đi làm kiếm tiền. Mỗi ngày một buổi đi học, một buổi phụ rửa chén cho mấy cô bán chè hoặc mấy bà bán phở, bún trong khu Mã Lạng. Buổi tối, sau khi đã học xong bài thì tranh thủ làm hàng mã (cứ 100 cái được 10 ngàn đồng)…
Khi biết hoàn cảnh đáng thương của Bảo Trân, Ban giám hiệu Trường THCS Đức Trí đã giảm tất cả các khoản tiền học cho em. Thỉnh thoảng các thầy cô trong trường, các bạn trong lớp cũng cho Bảo Trân tiền để đi thăm mẹ tại trại giam K5 Xuân Lộc, Đồng Nai.
Cảm kích trước tấm lòng của thầy cô và các bạn, đặc biệt là chuộc lại lỗi lầm của mẹ, Bảo Trân đã cố gắng học tập thật tốt. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, em đã được 35 điểm và trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Trãi (điểm chuẩn của trường là 29 điểm).
Từ ngày vào lớp 10 vì học 2 buổi/ngày nên Bảo Trân chỉ đi làm vào buổi tối – phụ bán chè. Học kỳ II năm đó, bà ngoại mắc bệnh rồi qua đời. “Trong nhà chỉ còn lại em và một đứa em họ (đang học lớp 8), nó thật sự trống rỗng và lạnh lẽo. Thế là dì út ở Q.7 dẫn 3 đứa con về ở chung”, Bảo Trân cho biết.
Hiện nay, Bảo Trân đang tập trung ôn tập để thi tốt nghiệp THPT và ĐH, do vậy cũng không có thời gian làm thêm kiếm tiền phụ dì út. “6 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào xe đẩy bán gỏi đu đủ của tôi. Mỗi ngày lời có mấy chục ngàn đồng. Tiền học của mấy đứa thì phải mượn đầu nọ đầu kia”, bà Nguyễn Ngọc Phương (dì út của Bảo Trân) tâm tư.
Khi tôi hỏi về mẹ của Bảo Trân, bà Phương cho biết: “Còn khoảng 3 năm nữa thì chị ấy được về (do cải tạo tốt nên được giảm án). Tết vừa rồi, Bảo Trân vừa đi thăm mẹ ở trại giam”.
Như vậy là còn 3 năm nữa, Bảo Trân sẽ được đoàn tụ với mẹ. Lúc đó, em có thể tự hào nói với mẹ rằng: “Con là chỗ dựa của mẹ” và mẹ của em cũng cảm thấy mãn nguyện vì đứa con gái tội nghiệp của mình đã nên người…
Bước qua nỗi đau để đi tiếp
Có lẽ cái cảnh tượng nửa đêm đang ngủ, các chú công an ập vào nhà còng tay mẹ dẫn đi sẽ khó phai mờ trong tâm trí Phạm Thị Ngọc Thanh (lớp 9) và Phạm Thị Ngọc Thúy (lớp 8) Trường THCS Đức Trí, Q.1.
Ngày ấy, “Khi mẹ bị bắt đi (mức án 15 năm tù giam vì tội tàng trữ và vận chuyển ma túy), em chỉ mới 5 tuổi, Ngọc Thúy 4 tuổi, em út (Phạm Thị Ngọc Lệ – lớp 4 Trường Tiểu học Phan Văn Trị (Q.1) còn là một đứa trẻ bé tẹo. Hơn một tuần sau, ba đi thăm mẹ (Trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai) rồi không bao giờ trở về nữa. 10 năm qua, 3 chị em đã sống với ông ngoại (mới qua đời khoảng 2 tháng nay do bị ung thư gan) và vợ chồng dì bảy trong căn nhà này”, Ngọc Thanh kể lại.
Vợ chồng dì bảy không có con nên coi 3 chị em Ngọc Thanh như con của mình. Chồng  làm bảo vệ, vợ trông giữ xe thuê cho một quán ốc nên thu nhập cũng rất khiêm tốn. Bởi vậy cuộc sống của những con người trong ngôi nhà số 167 lô D khu Mã Lạng khá chật vật. Thế nên quần áo, kể cả đồng phục đi học của Ngọc Thanh mặc chật thì tới lượt Ngọc Thúy mặc. Sách giáo khoa của Ngọc Thúy học xong thì tới Ngọc Lệ sử dụng.
Mẹ ở tù, cha có cũng như không, đùm bọc nhau mà sống là cách duy nhất để Ngọc Thanh, Ngọc Thúy và Ngọc Lệ hướng về tương lai. Và hiện tại, mỗi năm, đôi ba lần, 3 đứa trẻ lại vào trại giam thăm mẹ. Mỗi lần như vậy, người mẹ lại nói với các con: “Mấy đứa cố gắng học nhé”, 3 chị em Ngọc Thanh đáp lại: “Mẹ cố gắng cải tạo tốt để sớm được ra tù về với tụi con”.
Ở Mã Lạng có rất nhiều đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu cha, vắng mẹ như  Bảo Trân và chị em Ngọc Thanh nhưng các em đã biết vươn lên để sống tốt hơn. Trong đó có Nguyễn Thị Ngọc Trâm (lớp 8 Trường THCS Đức Trí, Q.1).
Cô bé ra đời được một thời gian ngắn thì cha bỏ đi, rồi khi lên 5 tuổi người mẹ cũng bỏ trốn. Từ đó cô bé ở với bà ngoại, nay đã 72 tuổi (người dân ở khu Mã Lạng vẫn thường gọi là bà Tư). “Hồi còn khỏe, tôi bán cơm ở chợ Cầu Muối (Q.1). Vì vậy con bé phải tự đi học. Hồi nó học ở Trường Tiểu học Phan Văn Trị, ngày nào đi học cũng bị chó rượt chạy té trầy xước hết cả chân tay”, trong căn phòng chỉ hơn 4m2 (địa chỉ 245 lô K khu Mã Lạng) bà Tư nhớ lại.
Mấy năm gần đây, bà Tư già yếu nên thay vì đi chợ buôn bán, bà phải vào nhà thương dưỡng bệnh. Bệnh đỡ thì về nhà lột vỏ củ hành thuê để kiếm 30 ngàn đồng/10kg/ngày.
Thương bà và cũng tự ý thức được chỉ có học mới thoát khỏi nghèo khó, Ngọc Trâm học rất giỏi – năm nào em cũng được giấy khen. Mặc dù việc học của cô bé chỉ bắt đầu sau khi đã cùng bà ngoại lột sạch vỏ 10kg hành và đem giao cho chủ…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Cô Lê Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (Q.1) cho biết: “Trường Đức Trí có rất nhiều học sinh ở khu Mã Lạng, các em có hoàn cảnh thật đáng thương. Đứa thì cha bỏ đi, mẹ ở tù, đứa thì cả cha cả mẹ đều bỏ trốn, đứa sống với bà, đứa sống với dì, thậm chí có em phải sống một mình. Nhưng các em đã không bỏ cuộc, vẫn ngày đêm cố gắng học tập. Nhà trường cũng luôn tạo mọi điều kiện để các em được đến trường như miễn giảm học phí, vận động mạnh thường quân hỗ trợ học bổng cho các em, phân công giáo viên kèm cặp từng học sinh…”.
 

Bình luận (0)