Trung úy Phạm Minh Cường, Đồn biên phòng Đắc Tiên hướng dẫn người dân Đắc Thốt học chữ |
Bản Đắc Thốt, xã Thuận Hà, huyện Đắc Song tỉnh Đắc Nông nằm cạnh biên giới giáp với nước bạn Campuchia. Cả bản có khoảng 150 hộ dân, chủ yếu là người Dao đỏ ở miền Bắc vào làm ăn sinh sống từ nhiều năm nay. Hơn một năm về trước, đây là một trong những bản “mù” của xã vì phần lớn người dân đều không biết chữ, đời sống hết sức khó khăn, tư duy sản xuất lạc hậu, các phong tục tập quán cũ ràng buộc. Vậy mà bây giờ, đồng bào bản Đắc Thốt không chỉ kinh tế khá lên nhiều mà cách nghĩ, cách làm cũng đã “sáng” hơn trước. Hành trình học chữ, thoát nghèo của đồng bào bản Đắc Thốt không ai biết rõ bằng những cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Đắc Tiên, Bộ đội biên phòng tỉnh Đắc Nông.
Nơi cái chữ “nảy mầm”…
Từ trung tâm xã Thuận Hà, vượt qua hàng chục cây số đường đất với bao đèo, dốc khúc khuỷu, bụi đỏ mịt mù, gió thổi vù vù đến rát mặt trong thời tiết khắc nghiệt của những ngày cuối năm ở Tây nguyên, chúng tôi mới đến được bản Đắc Thốt. Khác với những gì mà chúng tôi tưởng tượng trên đường đi về Đắc Thốt, một bản có tiếng là nghèo nhất Tây nguyên, bản Đắc Thốt ngày nay đã có nhiều khởi sắc, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã đến với đồng bào ở đây. Nhiều căn nhà tạm bợ, rách nát được làm bằng tranh, tre rừng trước đây của người dân giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố khang trang, sạch đẹp. Điện lưới quốc gia đã được kéo về tận bản, phần lớn các hộ đều có điện thắp sáng, mua sắm được các phương tiện nghe, nhìn… Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là bản đã có một lớp học cho riêng mình do các chiến sỹ Đồn biên phòng Đắc Tiên, Bộ đội biên phòng tỉnh Đắc Nông đứng chân trên địa bàn thành lập để dạy chữ cho người dân trong bản. Lớp học đặc biệt này được mở tại một nhà dân, toàn bộ bàn, ghế, bảng viết đều do người dân và bộ đội tự làm. Dù lớp học chỉ đơn sơ, mộc mạc nhưng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Vì kể từ khi có lớp học này đến nay đã có biết bao người biết chữ và bản không còn mang tiếng là “bản mù”.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân vẫn chưa quên được cái đêm khai giảng lớp học xóa mù của bản. Vui nhất phải kể đến gia đình Chỏi Triệu Cán. Triệu Cán nhớ lại: Lúc trước, các chú bộ đội đồn biên phòng cũng từng vận động gia đình và bà con trong bản đi học để biết cái chữ. Nghe bộ đội nói thì “cái chữ” nó có ích lắm, nhưng lúc đầu cuộc sống khó khăn quá, không ai hiểu được điều này, chỉ tập trung lo làm ăn thôi. Cho đến một ngày, nhà Cán bán 4 sào khoai lang, nhưng khi thanh toán tiền, vì không biết chữ nên đã bị người mua tính gian. Khi bộ đội biết chuyện mới bắt người mua tính lại và trả thêm cho gia đình Cán 1,7 triệu đồng. Vì chuyện này nên Cán nghĩ nếu không có chữ thì sẽ bị lừa mà không biết. Vậy là Triệu Cán tự nguyện cho bộ đội dùng căn nhà của mình để mở lớp học cho bà con trong bản. Lúc đầu, lớp học chỉ có 17 người, nhưng về sau, cùng với sự nỗ lực của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng trong công tác tuyên truyền, vận động, chính những người đi học trước đã thấy cái hay của “con chữ”, sự nhiệt tình của những người thầy “mang quân hàm xanh” nên họ đã vận động những người dân khác đến lớp. Càng ngày, lớp học càng đông thêm, đến nay, bình quân mỗi đêm có khoảng 40 người, người nhỏ nhất là 7 tuổi, người nhiều tuổi nhất cũng đã ngoài 40 đến học “cái chữ” từ bộ đội. Người dân ngày lên nương rẫy, tối lại đến lớp học. Tinh thần hăng say lao động, học tập ấy dường như đã đi vào tiềm thức của người dân nơi đây khi nào không hay. Theo những người lớn tuổi trong bản kể lại thì trước đây, đàn ông sau khi đi làm về là tụ tập uống rượu đến khuya. Cũng vì hay rượu chè mà trong bản thường xảy ra xích mích, làm mất an ninh trật tự. Thế nhưng, kể từ khi có lớp học, nhiều người đã từ bỏ thói quen xấu ấy, đi làm về, tranh thủ cơm nước là đến nhà Triệu Cán để học chữ. Lịch học đêm nào cũng được duy trì đều đặn từ 19 giờ cho đến 21 giờ. Thậm chí có nhiều hôm, vì chưa hiểu bài, nhiều “học sinh” còn nán lại bắt bộ đội giảng thêm, khi nào hiểu mới chịu ra về. Bùi Bàn Mụi, Triệu Mùi Chớm, và Triệu Mùi Vẳng năm nay đều đã ngoài 40 tuổi nhưng các chị vẫn chuyên cần đến lớp. Chị Triệu Mùi Chớm tâm sự: “Hồi mới đi học, mình viết “cái chữ” khó đến muốn khóc. Thế nhưng nghĩ đến chuyện nhà Cán bị lừa mất tiền lúc trước cũng như sự nhiệt tình của các chú bộ đội mà mình phải cố gắng học cho bằng được…”. Suy nghĩ và sự cố gắng của chị Chớm cũng là suy nghĩ và sự quyết tâm chung của tất cả người dân ở Đắc Thốt. Nhờ đó, từ một bản có khoảng 90% dân số không biết chữ, đến nay rất nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết làm cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Gia đình Triệu Cán có năm thành viên thì đã có ba người tham gia lớp học. Đứa con gái đầu của Triệu Cán là Triệu Mùi Nghiến năm nay đang học lớp 7 ở Trường Vừ A Dính của xã khi về nhà cũng tham gia cùng bộ đội giảng dạy cho bà con. Nhìn những gương mặt khi đăm chiêu nắn nót viết từng con chữ, lúc phấn chấn vì được thầy giáo khen giải đúng bài toán mới thấy được khát khao “thoát mù” của người dân bấy lâu. Sự khát khao ấy là “mảnh đất” tốt để con chữ “nảy mầm” và kết quả của sự đơm hoa kết trái là hàng trăm con người từ chỗ không biết chữ đã biết viết, biết đọc, biết tính toán làm ăn, dạy dỗ con cái học hành…
Thắm đượm tình quân dân
Chị Triệu Mùi Chớm địu con lên lớp học |
Để mở được lớp học, có được học sinh và điều quan trọng nhất là duy trì được sĩ số không phải là chuyện đơn giản. Chuyện nhà Triệu Cán vì không biết chữ nên bị người ta lừa tiền được bộ đội đòi lại công bằng là một trong rất nhiều việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Đắc Tiên để người dân nơi đây thấy được việc học chữ là cần thiết đến nhường nào. Trung úy Phạm Minh Cường, một trong những cán bộ của đồn chịu trách nhiệm phụ trách lớp học tâm sự: “Người Dao đỏ trên vùng Đắc Thốt phần lớn không biết chữ. Vì vậy, tập tục canh tác cũng rất lạc hậu, chủ yếu dựa vào tự nhiên để sản xuất nên quanh năm nghèo đói. Để vận động đồng bào thay đổi nếp sống, nếp suy nghĩ không phải là chuyện ngày một ngày hai… Vì thế, Đồn biên phòng Đắc Tiên đã xây dựng riêng một “chiến lược” phát triển cho Đắc Thốt từ việc thay đổi tập quán canh tác, các hủ tục lạc hậu cho đến dạy chữ”. Nghĩ là làm, trong những năm qua, với phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con, các cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã giúp dân làm kinh tế với việc tổ chức thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên chính diện tích đất của một số hộ dân. Dần dần, thấy bộ đội làm giỏi, dân rất thán phục và làm theo. Cái hôm chúng tôi ghé thăm và ở lại Đắc Thốt, khoảng 21 giờ đêm, con của Triệu Tản Chình không may bị ốm nặng. Mấy người dân đã chạy đến tìm bộ đội. Không ngần ngại, chính bộ đội Cường đã lấy xe máy chở đứa bé ra trạm xá xã để chữa bệnh. Nghĩ đến chặng đường đất gần 10 km đèo dốc ra tận trung tâm xã mà chúng tôi vừa nhọc nhằn đi qua sáng nay cũng đủ biết được tấm lòng của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng đối với người dân nơi đây sâu đậm đến chừng nào. Trưởng bản Đắc Thốt, Triệu Tấn Pham phấn chấn nói: “Dân mình nhờ bộ đội nhiều lắm. Từ ngày có bộ đội về, bản mình không chỉ bớt đói, học được “cái chữ” mà còn được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường xuyên, ít xảy ra các trường hợp gây rối, mất an ninh trật tự như trước đây… Mình cảm ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm !”
Triệu Cán bộc bạch: “Mình không nhờ bộ đội thì không được như ngày hôm nay đâu. Dân mình xưa nay không biết làm ăn, thấy bộ đội làm với diện tích đất ít, không mất nhiều thời gian lao động mà lại thu được nhiều nông sản nên mình và bà con trong bản cũng học tập làm theo. Giờ đây, gia đình mình không lo thiếu ăn như những năm trước nữa…”. |
Chúng tôi chia tay với người dân Đắc Thốt và các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Đắc Tiên khi mùa xuân đang về với mọi nhà, trên khắp mọi miền biên cương của Tổ quốc. Trên suốt chặng đường dài trở về, dù phải khó khăn trải qua bao đèo, dốc, gió núi, nhưng hình ảnh về những cái bắt tay nhau thân mật, những câu chuyện chân tình, cởi mở, thân thiết giữa các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng với người dân trong những tiết mục văn nghệ sau mỗi buổi học. Hình ảnh bộ đội Cường chạy xe máy chở con anh Triệu Tản Chình vượt đèo, vượt núi giữa đêm khuya heo hút ra trạm y tế xã… cứ in đậm trong tâm trí chúng tôi. Chính nghĩa tình quân dân sâu đậm ấy là một bản tình ca, là thành lũy vững chắc bảo vệ sự bình yên nơi vùng phên giậu của Tổ quốc.
Nguyễn Công Lý
Bình luận (0)