Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Con chữ ở làng biển bãi ngang

Tạp Chí Giáo Dục

“Vào năm học mới này, mình không còn lo hổng kiến thức như những năm trước nữa. Trải qua lớp học hè, các anh chị SV tình nguyện đã bổ sung được cho mình nhiều thứ mà nếu vào những năm trước đây, kiểu gì vào năm học mới cũng bị các thầy cô giáo nhắc nhở hoặc bị điểm kém ở ngay những bài kiểm tra đầu tiên”. Cậu học trò Trần Văn Hy (HS lớp 6), nước da đen nhẻm, nhảy chân lò cò khoe vang với lũ bạn cùng xóm trên đường đi mua tập vở, chuẩn bị vào năm học mới…

SV tình nguyện dạy học cho HS xã Quảng Công

1.Gia cảnh Trần Văn Hy hết sức khó khăn. Việc học vì thế không được gia đình quan tâm đầu tư. Ngoài giờ lên lớp, Hy phải gồng gánh phụ giúp gia đình để có được những bữa cơm ấm bụng. Thương hoàn cảnh của em, các sư cô ở chùa Thành Công (xã Quảng Công, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) đã đưa em vào chùa để tiện tham gia lớp học của các SV tình nguyện về với xã biển này. Đầu hè, dù đã bước sang lớp 6 nhưng Hy phải ôn tập bổ sung kiến thức lại từ lớp 3. Với sự động viên của các anh chị SV tình nguyện, Hy đã vượt qua nhiều trở ngại để nắm vững bài học và tự tin bước vào năm học mới. Niềm vui và sự tự tin lộ rõ trên gương mặt cậu, dù không nói ra. Cậu bé Hy không phải là trường hợp đặc biệt trong lớp học hè do SV đến từ các trường ĐH ở Huế tổ chức dạy tình nguyện ở miệt biển Quảng Công. Người ta bảo, sung sướng có một nhưng cực khổ lại muôn vàn. Gần 100 em HS từ tiểu học đến THPT đến với các lớp học ở đây đồng nghĩa với gần 100 mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, thiệt thòi. Ở lớp học, nhiều bạn nhắc đến em Văn Thành, HS lớp 9, Trường THCS Phan Thế Phương (xã Quảng Công) như một tấm gương cho khát vọng con chữ. Thành sinh ra trong gia đình nghèo khó, có đến 5 anh chị em. Cuộc sống cả gia đình phụ thuộc vào con tôm, mớ cá do ba mẹ đánh bắt được trên biển bãi ngang gần bờ. Không may mắn như nhiều bạn bè đồng trang lứa, hàng ngày, sau giờ học, Thành tất tả ra bãi biển đón những chuyến thuyền cập bến của ba mẹ. Nhọc nhằn phụ giúp ba mẹ phân tách mớ tôm cá lẫn lộn vừa đánh bắt được, mang lên bờ để bán cho thương lái. Xong lại xoay trần ra giũ đống ngư lưới cụ ngổn ngang. Lớp học thêm với Thành là khái niệm xa lạ. Để được đến trường mỗi ngày với cậu bé miền biển ấy đã là một nỗ lực.

Các SV tình nguyện chăm chỉ soạn bài giảng cho HS

2.Bạn Trần Thị Thúy Nga, SV Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế chia sẻ: “Em phụ trách lớp 9, trong số các em HS ấy phần đông con nhà nghèo, ba mẹ các em làm nghề đi biển. Đã lên lớp 9 nhưng nhiều em không có máy tính, không đủ vở sách. Mặc dù vậy, các em rất chăm chỉ và chịu khó học tập, có tinh thần học hỏi”. Hôm chương trình “Ánh sáng văn hóa” do Thành đoàn Huế tổ chức về với xã Quảng Công, sư cô Thích Nữ Liên Hoàng trụ trì chùa Thành Công (đóng chân trên địa bàn xã), đã dành hẳn không gian, cơ sở vật chất và chuẩn bị cả những bữa cơm để cho các tình nguyện viên và các em HS được học tập bồi dưỡng văn hóa.

Chương trình “Ánh sáng văn hóa hè” là hoạt động nằm trong chương trình hoạt động hè và chiến dịch thanh niên tình nguyện của Thành đoàn Huế diễn ra từ đầu tháng 7 đến 15-8. Hoạt động thu hút 60 tình nguyện viên là SV đến từ các trường ĐH và thành viên của Đội Công tác xã hội TP.Huế tham gia. Luân phiên mỗi tuần một nhóm (từ 10 đến 12 người) về giảng dạy, bổ trợ kiến thức cho các em HS xã Quảng Công.

Anh Võ Đức Thắng, Phó Bí thư Xã đoàn Quảng Công tâm sự: “Con em ở miệt biển này đa phần đều khó khăn. Ba mẹ làm nghề biển đánh bắt gần bờ với phương tiện thô sơ, thu nhập bấp bênh nên việc học ít được đầu tư, các em thiệt thòi hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa các nơi khác. Với chương trình tình nguyện hè của SV các trường ĐH đóng chân trên địa bàn thành phố Huế đã giúp cho gần 100 em HS ở Quảng Công có điều kiện được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức. Tạo nên niềm hứng thú cho các em, tạo động lực thúc đẩy các em vươn lên trong học tập”.

3.Về làng biển khi năm học mới bắt đầu gõ cửa, tạm biệt lớp bồi dưỡng văn hóa hè, trên đường làng, những đứa trẻ đầu trần, chân đất chảy chân sáo theo mẹ ra chợ mua sắm sách vở cho ngày tựu trường. Theo sát chân mẹ, Thành hí hửng: “Hè này con học được nhiều kiến thức hơn mọi năm. Con sẽ cố để đỗ lớp 10, vào trường huyện. Nay mai con sẽ thi đại học để được làm SV như các anh chị”. Nghe con nói, đôi mắt của người mẹ miệt biển cả đời tảo tần sóng nước rạng rỡ hẳn lên. Phía trước dẫu còn muôn vàn khó khăn, nhưng trong thâm tâm những người mẹ nghèo ấy, khát vọng về tương lai của con cái luôn thường trực!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)