Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Cồn Cỏ hoang sơ và kỳ thú

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù lần đầu tiên đến với huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) nhưng dường như với chúng tôi, đảo nhỏ này đã trở nên quen thuộc bởi những thông tin biết qua sách, báo. Hình ảnh của “đảo thép” gắn liền với tên tuổi người anh hùng Thái Văn A là ấn tượng không quên kể từ ngày tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Hành trình đến với Cồn Cỏ

Đến với Cồn Cỏ, chúng tôi phải vượt qua hành trình khá dài hơn 300 hải lý. Điểm xuất phát từ thành phố cảng Hải Phòng, tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chạy dọc theo Vịnh Bắc Bộ liên tục từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới đến đảo. Tuy là dân miền biển nhưng trước những đợt sóng, gió cấp 6, cấp 7 đã làm cho chúng tôi và nhiều thành viên trong đoàn say nghiêng ngả theo từng con sóng.
Từ sáng sớm, khi chỉ còn cách đảo vài hải lý, trên màn hình ra-đa, xuất hiện chấm nhỏ và cứ to dần theo khoảng cách mà tàu tiến gần đến đảo. Nhiều người trong đoàn lần đầu tiên đến Cồn Cỏ nên ai cũng háo hức ra boong tàu để ngắm đảo. Tiếng của một thủy thủ vang lên: “Cồn Cỏ kia rồi các anh ơi!”. 
Khách du lịch ăn mì ăn liền tôm và sữa chua Ba Vì của Việt Nam trong chuyến du lịch dã ngoại trên đảo.
 Cuộc sống mới trên đảo
Cảm giác đầu tiên của các thành viên trong đoàn với Cồn Cỏ chính là từng luồng gió từ biển thổi vào se sắt giữa cái nắng chang chang của biển miền Trung. Một chuyện thú vị được các hộ dân trên đảo kể lại, đó là chạy quanh đảo có đến 4000 cây dừa, tượng trưng cho lịch sử của đất nước, do lực lượng thanh niên xung phong trồng từ khi tỉnh Quảng Trị được tái lập năm 1989. Hiện nay, số dừa này đã lớn và ra quả. Anh Nguyễn Văn Vĩnh – một thanh niên xung phong ra đảo từ những ngày đầu có chủ trương đưa dân ra Cồn Cỏ kể: “Nhà tôi bán quán ở ngay âu tàu lên, cũng là nơi có nhiều cây dừa đã cho quả. Khách du lịch ra đảo, chiều chiều ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn đổ bóng xuống biển. Đây là lúc biển rất đẹp và thơ mộng”.
Ông Cao Văn Tân – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cồn Cỏ từ lâu đã được mệnh danh là “bảo tàng tự nhiên” giữa biển khơi. Trong chiến lược phát triển của Cồn Cỏ, huyện đảo tập trung theo hướng dịch vụ, du lịch, lâm, nông, thủy sản nhưng dịch vụ, du lịch được xác định là mũi nhọn. Đảo sẽ hạn chế đến mức thấp nhất bàn tay can thiệp của con người; nhà trên đảo chỉ được xây 2 tầng. Cùng với việc tận dụng nước mưa để ăn uống, chúng tôi đang tính tới xây dựng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt để từng bước chủ động nguồn nước trên đảo”. Nước biển ở Cồn Cỏ ấm quanh năm, nhiều bãi cát mịn nên đến đảo, du khách có thể tắm biển bốn mùa, tham gia lặn biển ngắm san hô, cắm trại dã ngoại, câu cá,…
Hiện nay, việc đi lại đã thuận lợi hơn, khách có thể đến Cồn Cỏ bằng tàu cao tốc, tàu công vụ của UBND huyện hoặc tàu của ngư dân. Với vị trí chiến lược, Cồn Cỏ được Nhà nước quan tâm đầu tư nên cơ sở hạ tầng đã và đang được nâng cấp, làm mới. Chạy quanh đảo, ngay gần mép nước là hơn 5km đường đá láng nhựa phẳng lỳ. Nếu đi xe gắn máy, chạy một vòng quanh đảo chỉ mất chừng 15 phút; còn đi bộ, khoảng 45 phút. Những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi, tỏa bóng sum suê bên đường. Rồi đến rừng bàng lá đỏ, cây nhàu, cây phong ba, bàng vuông và hoa dại…
Điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn

Cồn Cỏ có nhiều bãi đá hết sức lạ mắt. Những bãi đá tự nhiên được nước biển bào mòn qua thời gian hàng chục thế kỷ lô nhô, đều tăm tắp từ mép nước lên bờ, giống hệt bức tường thành bao bọc cho đảo nhỏ, như có bàn tay sắp đặt của con người. Những vân đá đẹp như tranh. Do Cồn Cỏ trước đây là đảo quân sự và là một trong những “tấm khiên” trên biển nên hệ thống lô cốt, địa đạo vẫn còn nguyên vẹn với gần 20km, đây cũng là một điểm đến tham quan hấp dẫn của khách.
Là người quê tận Thái Bình, song Thượng úy Đoàn Minh Cử đã có thâm niên hơn 10 năm sống ở đảo, anh dẫn tôi đi thăm đảo như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Anh say sưa nói về các bãi san hô đỏ, nói về món ốc nón luộc, con “đua cá” tức con “cua đá” – một đặc sản của đảo, rồi những bãi cát… Do chưa bị bàn tay con người can thiệp nên Cồn Cỏ còn giữ được hầu như nguyên vẹn những nét đẹp hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng. Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa T540 của Vùng 3 Hải quân, Ban CHQS huyện đảo đang ngày đêm gắn bó, giữ gìn đảo nhỏ thân thương.
Từ trạm hải đăng, phóng tầm mắt ngắm đảo, trên nền đá ba-dan kỳ vĩ, Cồn Cỏ có thảm thực vật phong phú với 3 tầng cây, cỏ và dây leo rõ rệt. Hoàng hôn đổ bóng, mặt trời đỏ au chưa kịp lặn đã bị sóng biển ầm ào nuốt trọn, để lại phía sau con thuyền dập dềnh bên sóng nước.
Với vị trí khá thuận lợi, Cồn Cỏ chỉ cách Cửa Tùng 15 hải lý, cách Cửa Việt 17 hải lý về phía Đông Bắc, cách Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) 13 hải lý về phía Đông. Từ khoảng cách tương đối gần này, chỉ mất chừng gần một giờ tàu chạy là có thể đến đảo. Trong tương lai, Cồn Cỏ sẽ xây dựng tuyến tam giác du lịch “Cửa Việt-Cửa Tùng-Cồn Cỏ”. Đây sẽ là tuyến du lịch độc đáo và ấn tượng của không chỉ Quảng Trị mà còn cả dải đất miền Trung. Trước mắt, để tàu thuyền ra vào đảo thuận lợi, âu cảng và đường đi trên đảo đang được đầu tư mở rộng với trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống phát thanh, truyền hình, viễn thông đã được phủ kín; riêng trạm thu phát tín hiệu của Vinaphone, Viettel (cao 165m so với mặt nước biển) giúp thông tin liên lạc thông suốt.
Theo Vũ Quang Thái
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)