Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cồn Cỏ – Tiền tiêu giữa biển xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Đảo Cồn Cỏ – nơi từng được mệnh danh “pháo hạm không chìm” hôm nay đã được đầu tư xây dựng khang trang 

1.Con tàu công vụ đưa chúng vượt chặng đường biển dài ngót 17 hải lý, cập âu tàu đảo Cồn Cỏ một ngày tháng 3. Những mầm non cây cối bung lộc nhuốm một màu xanh biếc trên đảo nhỏ, ánh mặt trời ló dạng phía đằng Đông tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ giữa biển khơi. Anh Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ vui vẻ nói: “Nay mai đưa tàu cao tốc vào tuyến du lịch, triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo, Cồn Cỏ chắc chắn sẽ là điểm đến lý thú cho du khách, đời sống người dân nhờ đó cũng sẽ khấm khá hơn”. Qua lời của anh Tuấn, một Cồn Cỏ tiền tiêu trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ được tái hiện qua những chứng tích ngọn hải đăng, đài tưởng niệm, sự tích con cua đá… với tinh thần chiến đấu quật cường của quân dân miền lũy thép quyết bám đảo, giữ đất biên cương, với bản lĩnh những anh hùng tiếp tế cho đảo bằng châm ngôn người còn thì đảo còn.

Sau 13 năm thành lập huyện đảo, với sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền, Cồn Cỏ đã khoác lên mình một màu áo mới. Cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng khá khang trang. Trường học mang tên Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba rộn ràng tiếng trẻ thơ. Anh Tuấn cho biết, trong năm 2017, huyện sẽ thực hiện chủ trương đưa thêm 10 hộ dân ra đảo sinh sống, lập nghiệp. Cùng với nghề biển, cư dân Cồn Cỏ sẽ có hướng phát triển mới như dịch vụ nhà hàng, quán ăn, homestay trên đảo để phục vụ du khách khi đề án mở tuyến du lịch ra đảo chính thức được khởi động vào đầu tháng 4-2017 tới.

Ngọn hải đăng trên đảo Cồn Cỏ

2.Đi một vòng quanh đảo, trong không khí mát lành mới nhận thấy hết tiềm năng du lịch sinh thái của nơi được mệnh danh là “pháo hạm không chìm” này. Cồn Cỏ như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển. Các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò điệp, cát. Nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định. Khí hậu trên đảo trong lành, mát mẻ, không bị ô nhiễm. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo vẫn còn nguyên trạng, được gìn giữ và bảo vệ tốt. Đặc biệt, Cồn Cỏ nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú thuộc ngư trường Con Hổ (ngư trường miền Trung với diện tích khoảng 9.000km2), nơi hội tụ của các loài hải sản Bắc và Nam vịnh Bắc bộ, thống kê được khoảng 224 loài cá biển khơi trong tổng số khoảng 960 loài cá phân bố ở vùng vịnh Bắc bộ. Các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: Cá mú, cá ngừ, cua, ghẹ, mực, tôm hùm… Ngoài ra còn có 113 loài san hô cứng, 56 loài rong biển, 46 loài động vật đáy, 20 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du và các loài quý hiếm như cá heo, 1 họ vích (Chelonidae), 1 họ quản đồng và 1 họ rùa da (Dermochelyidae). Rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá là đang trong tình trạng rất tốt, độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau Phú Quốc, Côn Đảo và Hòn Mun. Năm 2009 UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định thành lập khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ với tổng diện tích 4.532ha theo loại hình bảo tồn loài, sinh vật cảnh gồm hệ sinh thái rạn san hô và các loài động, thực vật biển quý hiếm.

3.Cùng với nguồn nước ngọt được cải thiện ngay giữa đảo và nguồn điện chạy diezen chiếu sáng 12 giờ/ngày, các công trình nhà khách UBND huyện, nhà khách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đảm bảo lưu trú qua đêm cho khách… Sau khi triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo này, các điều kiện này sẽ được cải thiện, cùng với việc đầu tư các công trình phụ trợ khác song song với điểm đến sinh thái. Anh Tuấn khảng khái, với các dịch vụ như tắm – lặn biển ngắm san hô ở bến sông Hương, các hoạt động picnic tập thể như câu cá, bắt ốc, bắt cá nhảy vào buổi tối, lửa trại múa hát tập thể, chế biến và thưởng thức các món ăn, uống rượu Cồn Cỏ, tổ chức hội thi câu cá biển hàng năm, tổ chức tuyến đi bộ thư giãn, ngắm biển vào bình minh, hoàng hôn (dọc tuyến bờ kè từ bến Tranh đến bến sông Hương), xây dựng các lầu vọng cảnh (có ống nhòm xa) để khách du lịch vào ngắm cảnh và nghiên cứu tổ chức “Đêm Cồn Cỏ” vào tối thứ bảy hàng tuần… Phát triển những điều ấy một cách hệ thống, Cồn Cỏ kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến trên hành trình tour tuyến du lịch của hành lang kinh tế Đông – Tây, hứa hẹn sẽ có ngày càng nhiều hơn du khách đến đây.

Bước thật chậm trên những rạn đá được sóng nước tạo hình như những bức tranh tuyệt phẩm, ngắm ánh bình minh, nghe tiếng cá tôm quẫy vùng trong nước, tiếng lá phong ba đánh vào nhau xào xạc như một bản hòa âm, ít ai hình dung được nơi đảo nhỏ này quân và dân ta đã trải qua 1.500 ngày đêm chiến đấu ác liệt với kẻ thù với gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ bảo vệ đảo, dựng nên một tượng đài Cồn Cỏ anh hùng. Chợt nhận ra, thật may mắn cho thế hệ trẻ, khi tuyến du lịch khai mở để họ nhớ rằng, sóng dù có xóa đi dấu vết thì biển vẫn còn đường mòn và con đường mòn ấy dẫn họ về một miền Cồn Cỏ tiền tiêu giữa biển Đông, đẹp như cổ tích.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)