Kỳ 2:“Địa ngục trần gian”
“Phòng tắm nắng” trong khu chuồng cọp của nhà tù Côn Đảo |
Theo sử sách nước t a, Côn Đảo được gọi tắt từ tên hòn đảo lớn nhất của quần đảo là Côn Lôn (còn một số tên gọi khác như Côn Sơn, Côn Lôn Sơn…). Khi triều Nguyễn chính thức thỏa ước bán nước với Pháp thì ngày 28-11-1861, Pháp ngang nhiên xâm chiếm Côn Lôn bằng một “tuyên cáo xâm lược”. Ngày 1-2-1862 Bôna (đô đốc Pháp) ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Quần đảo Côn Lôn hùng vĩ của nước ta từ đó biến thành “địa ngục trần gian”.
Qua các giai đoạn của chính quyền bán nước từ thời Pháp đến Mỹ, chế độ lao tù nơi đây ngày càng tinh vi. Ngày 22-10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh đổi tên quần đảo Côn Lôn trở thành hải đảo Côn Sơn (tỉnh Côn Sơn), là tỉnh không có dân cư, chỉ có người tù và bộ máy cai tù. Đến ngày 24-4-1965, ngụy quyền Sài Gòn đổi thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc Bộ Nội vụ và chức Tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chính. Núp bóng dưới nhiều chiêu bài nhằm đánh lừa dư luận quốc tế về vùng đảo này, nhưng bọn xâm lược và bán nước vẫn không ngăn được nhiều cuộc khởi nghĩa của người dân và tù nhân Côn Đảo đã nổi lên.
“Chín tầng địa ngục”
Nơi đầu tiên, đoàn chúng tôi đến tham quan là trại tù Phú Tường. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết, thời Pháp, các trại tù được gọi là banh (bagne). Các banh được hình thành bởi hệ thống các trại, còn gọi là lao. Trong đó banh I, còn được gọi các tên lao 1, trại Cộng Hòa, trại 2 (trại Phú Hải) là trại giam lớn và cổ nhất Côn Đảo, được xây dựng từ năm 1892. Banh II còn gọi là lao 2, trại Nhân Vị, trại 3 và trại Phú Sơn. Banh III còn gọi là lao 3, trại Bác Ái, trại 1, trại Phú Thọ và cuối cùng là banh III phụ, còn gọi là lao 3 phụ, trại phụ Bác Ái, trại 4, trại Phú Tường. Hệ thống các trại tù thời Pháp đều được xây trước năm 1945, với khoảng gần 7.000m2 diện tích phòng giam.
Thời Mỹ – ngụy, trại tù đầu tiên được xây dựng từ năm 1962, hệ thống trại tù cũng có tổng diện tích phòng giam tương đương thời Pháp, gồm có các trại được gọi nối số với các trại tù thời Pháp bao gồm trại 5 (trại Phú Phong), trại 6 (Phú An), trại 7 (Phú Bình), trại 8 (Phú Hưng) và trại 9, trại này khi Mỹ ngụy đang cho đổ bê tông đúc cột, đổ nền thì Hiệp định Paris ký kết nên việc xây dựng đã bỏ dở. Được biết, sau Hiệp định Paris (1973), để xoa dịu làn sóng đấu tranh của tù nhân và đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước, Mỹ Thiệu ra lệnh giải tỏa chuồng cọp, đồng thời ghép tên các trại tù đều có chữ “Phú” như đã nêu tên ở trên.
Theo tài liệu, qua hai thời kỳ Pháp – Mỹ tổng cộng hệ thống nhà tù Côn Đảo có 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”. Chưa kể gần 20 sở tù được dựng lên nhằm phục vụ cho các mặt đời sống và bộ máy hành chính của địch, đồng thời phục vụ cho mục đích đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm hủy hoại dần mòn sinh mạng người tù.
“Chuồng cọp Pháp” là một khu biệt lập nổi tiếng, được xây dựng vào năm 1940, với 1.408m2 diện tích phòng giam, gồm 120 phòng biệt giam được bao bọc bởi các lao trại chung quanh. Phía trên chuồng cọp có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa, dành cho cai ngục đi lại để dễ dàng kiểm soát và hành hạ người tù như ném vôi bột, dội nước bẩn… Đối diện với khu biệt giam này là “phòng tắm nắng” (chia làm 4 dãy mỗi dãy 15 phòng). “Phòng” này dùng để hành hạ người tù bằng cách phơi nắng, phơi mưa hoặc là nơi chúng lôi tù nhân ra tra khảo.
Trong hệ thống nhà tù thời Pháp không thể không nhắc đến khu biệt lập “chuồng bò”, xây dựng năm 1930, có diện tích hơn 500m2 phòng giam gồm có 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, hai chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò. Bọn cai tù sử dụng hầm phân bò này để ngâm người tù xuống đó tra tấn hành hạ cực kỳ dã man và bí mật.
Trại 7 (trại Phú Bình) do Mỹ ngụy xây dựng từ năm 1971 còn được gọi là “Chuồng cọp kiểu Mỹ” với 2.562m2 diện tích phòng giam, bao gồm 384 phòng biệt giam bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng rất ẩm thấp. Cũng từ đây, là nơi nổi dậy đầu tiên đêm 30 tháng 4, giải phóng nhà tù Côn Đảo. Rạng sáng ngày 1-5-1975 Côn Đảo hoàn toàn giải phóng thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian” sau 113 năm dài kinh hoàng và tang thương.
Trường học cách mạng
Không thể kể hết những tội ác của kẻ thù gây ra cho nhân dân ta trong hệ thống nhà tù trên vùng biển đảo này. Sử sách và giấy mực cũng không thể ghi hết những tấm gương kiên trung bất khuất chống thực dân, đế quốc để giành độc lập tự do cho dân tộc. Nhà tù Côn Đảo qua hai cuộc kháng chiến thần thánh đã trở thành một trường học cách mạng trui rèn ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Đó là Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh… Trong gọng kìm tàn ác của kẻ thù với những đòn tra tấn dã man, họ không khuất phục mà đã vươn lên mạnh mẽ. Nhà tù Côn Đảo dù với chuồng cọp, chuồng bò của những kiểu hành hạ thời tiền sử vẫn không ngăn chặn được các việc tổ chức đấu tranh chặt chẽ ngay trong nhà giam, không ngăn được việc phát hành tài liệu, báo chí, thông tin và các phương pháp phân tích lý luận cách mạng, đánh giá tình hình trong và ngoài nước; không ngăn được công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương đấu tranh của Đảng qua từng thời kỳ; không ngăn được tiếng hát lời ca, tình nhân ái, tình đồng loại, đồng chí. Nhà tù Côn Đảo là trường học đào tạo những người con Việt Nam yêu nước, vượt qua sự tra tấn tàn khốc của kẻ thù để muôn đời sau họ trở thành huyền thoại trong lòng biển, trong lòng trời đất và trong lòng dân tộc.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên
Bình luận (0)