Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Con dao” mang tên cư dân mạng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không phải dùng đến những cú đá, những nắm đấm mới là bắt nạt, thực tế hiện nay, việc bắt nạt trên mạng xã hội (MXH) trở nên phổ biến hơn, nó như thứ ma lực thu hút nhiều người tham gia.

Và với tư cách là cư dân mạng, họ vô tư gõ lên những bình luận ác ý, thoải mái chỉ trích người khác chỉ để đáp ứng nhu cầu hả hê của bản thân. 

Có thể giết chết cá nhân hoặc doanh nghiệp

Nếu bắt nạt trong đời thực chỉ một hoặc một nhóm người biết, sự ê chề của nạn nhân cũng khoanh vùng trong phạm vi hẹp hơn thì bắt nạt trên mạng là hàng ngàn, hàng triệu người biết đến, sự ê chề rộng hơn, bao trùm hơn và khi không thể kiểm soát được, nó vô tình đẩy nạn nhân xuống tận cùng của nỗi buồn tủi.

Bởi vậy mà tại buổi tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên MXH”, TS Lê Thẩm Dương khẳng định, MXH có thể giết chết một cá nhân hoặc một doanh nghiệp mà không cần dùng đến dao.

Quả thực, sau hàng loạt vụ việc mà người trẻ tự tử vì những lời lẽ ác ý trên MXH cho thấy, lời nói cũng có tính sát thương cao, gây ra hàng loạt cái chết mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm. Vụ việc nữ ca sĩ Sulli của Hàn Quốc tự tử cách đây không lâu là một minh chứng. Từ những chỉ trích tiêu cực trên MXH đã khiến nữ ca sĩ bị trầm cảm kéo dài và không thoát ra được, cô tìm đến cái chết cho sự giải thoát chính bản thân mình. 

Đây không phải vụ việc đau lòng đầu tiên xảy ra với người nổi tiếng Hàn Quốc, ngay cả ở Việt Nam, nhiều người nổi tiếng, thậm chí những người trẻ bình thường cũng từng rơi vào trạng thái hoang mang trước những lời lẽ cay độc của MXH. Nhiều bạn trẻ trong số đó cũng đã chọn cách đau lòng nhất để giải thoát bản thân trước búa rìu dư luận mạng.

Nhiều trường học tổ chức các chương trình giúp học sinh biết cách ứng xử trên mạng xã hội sao cho chuẩn mực. Ảnh: SAC

Nữ sinh lớp 11 tên H.T.L ở Nghệ An tự tử tại ao nước gần nhà do lộ clip ghi lại cảnh L. và một bạn trai trong lớp đang hôn nhau và bị bạn bè, dư luận chế giễu, chỉ trích thậm tệ. Trước đó, B.Q.H, một học sinh ở Yên Bái treo cổ tự tử vì không vượt qua được lời chế giễu, bình luận của cư dân mạng trước clip bản thân bị đánh, bắt quỳ xin lỗi mà cộng đồng mạng thi nhau lan truyền. Hay một nữ sinh ở Đồng Nai và một nữ sinh ở Hà Nội cũng chọn cái chết để đáp trả lại những bình luận ác ý trên MXH về đời sống riêng tư của mình…

Phải định danh người sử dụng MXH

MXH ra đời, không thể phủ nhận là một bước tiến rất lớn của công nghệ thông tin, ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình. Song, cũng vì sự tự do ấy đã đẩy nhiều người vào bế tắc và gây hậu quả đau lòng.

“Đáng nói, cư dân mạng vô tư đưa ra bình luận khiếm nhã, ác ý nhưng chủ yếu a dua theo đám đông bởi không rõ thực hư thế nào, thậm chí có một nhưng qua suy nghĩ, cách hiểu và cách thể hiện của mỗi người, câu chuyện lại bị đẩy lên cao hơn để tăng tính hấp dẫn”, P.T.T.H (ngụ quận 2, TPHCM), một nạn nhân từng bị chỉ trích trên MXH chỉ vì 1 tấm hình ghép, cho biết. 

Theo luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, về mặt pháp luật, các thông tin trên MXH gọi là “dữ liệu điện tử”, đây được coi là một chứng cứ pháp luật để xử lý những người có hành vi xâm hại lợi ích của nhà nước; xâm hại lợi ích, nhân phẩm, danh dự của con người, tổ chức, doanh nghiệp, được quy định trong Bộ luật Hình sự. 

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thì cho rằng, việc quản lý MXH trên không gian mạng đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Tội vu khống, chỉ trích để làm nhục người khác được quy định rõ trong các văn bản pháp luật, trong đó có Luật An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm nay. Đáng chú ý nhất là Luật An ninh mạng quy định rõ một số nội dung nhằm tránh tình trạng người sử dụng MXH ẩn danh để làm nhục người khác…

Thực tế thời gian qua, một vài thông tin trên MXH đã bị xử lý nhưng đối tượng bị xử lý cũng rất hạn chế và tính răn đe cũng chưa cao, chủ yếu tập trung ở việc xử phạt hành chính các thông tin sai sự thật để câu view, còn với những bình luận ác ý, những chỉ trích mang tính công kích, chế giễu người khác vẫn “bình an vô sự”.

Theo các chuyên gia, để người sử dụng MXH phải chịu trách nhiệm trước những thông tin và bình luận mình đưa ra thì cơ quan chức năng cần có biện pháp kiên quyết nhằm định danh đầy đủ người dùng MXH. Tuy nhiên, trước hết mọi người phải tự bảo vệ danh dự và lợi ích của mình trong thời đại mà bất cứ lúc nào bản thân cũng có thể trở thành đối tượng mà cư dân MXH công kích, chế giễu, thậm chí là vu khống. 

“Nếu nhận thấy mình bị xâm hại một cách nghiêm trọng về nhân phẩm, danh dự thì nạn nhân hãy gửi thông điệp tới đơn vị của người đăng tin, bình luận chỉ trích hoặc yêu cầu pháp luật vào cuộc”, luật sư Vũ Phi Long khuyên, đồng thời khẳng định thông tin trên MXH là chứng cứ trước pháp luật, thậm chí còn là tình tiết tăng nặng hình phạt gấp đôi.

Theo Thanh Ly/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)