Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Còn đâu chiếc bánh tét tí hon…

Tạp Chí Giáo Dục

Đng hoài nim, nếu không, bn s… chnh lòng lúc phát hin ra mình không còn đưc t tay gp lá gói chiếc bánh tét bé xíu xiu ri nâng niu nu chung ni bánh ca ba m trong nhng ngày cui cùng ca năm cũ.

Để rồi, dưới ánh lửa bập bùng, bạn thao thức không yên, hồi hộp ngóng trông hoài cho tới khi bánh chín. Nhưng biết làm sao đây, mỗi độ xuân về, chính  mình lại… hoài niệm; để rồi rưng rưng, rồi hoen cay khóe mắt, nhận ra khi mình trưởng thành, còn đâu chiếc bánh tét tí hon ngày xưa nữa.

… Hồi ấy, nhà mình lợp ngói, lâu lâu có một hai viên bể, lỗ thủng hé ra, nắng xuyên vào, mưa dột xuống; có khi đang chong đèn học bài nước nhỏ giọt lên đầu, mẹ phải mang thau lên hứng tạm. Nhà mình cũng đóng phên, là những mảnh thân tre được chẻ vuốt dẹp đan khít vào nhau, cũng hở những chiếc lỗ nhỏ nơi mưa hắt vào, gió lộng và nắng xuyên qua. Những lỗ nhỏ đó, mình hay nheo một mắt để nhìn ra bên ngoài mỗi lần xem mưa, xem nắng hay xem hàng xóm nào đi bên ngoài tiếng chân sột soạt. Rồi lâu qua mưa gió, mối mọt, phên lủng lỗ bự, mình và mấy anh chị ngây ngô lấy tay bẻ thêm khiến lỗ to dần, chui lọt cả cái đầu. Mẹ phải lấy bao tời cột che lại. Nhà nghèo nên mẹ chưa có tiền thay liền tấm phên mới!

… Tuổi thơ nghèo, chân đất theo đúng nghĩa là đi chân không trên đất, không có dép để mang hoặc đôi dép cũ bị đứt ra ở khóe; đã thế lâu lâu lại còn bị mấy chú chó con lôi ra gặm, mất góc, mẹ phải chọc lỗ khâu lại cho con mang đi học. Một tuổi thơ chân phương đến vậy, thì làm sao có tiền tiêu vặt để xài, để mà mua bánh kẹo. Cùng lắm mỗi lần mẹ đi chợ, mua về cho bịch sữa đậu nành, trái bắp, quả ổi, chiếc bánh chuối chiên, nắm xôi gói lá chuối, vài trái me… là mừng lắm rồi! Những thứ này, ở chợ quê thường rất rẻ. Chỉ có Tết nhà mới có nhiều bánh kẹo, kèm hạt dưa, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí. Có thêm dưa hấu, ít tiền lì xì và một, hai bộ đồ mới. Chính vì vậy mà lúc nào những đứa trẻ con như mình, cả anh chị mình cũng xòe tay đếm từng ngày ngóng trông Tết!

… Tầm hai bảy, hai tám tháng chạp, mẹ sẽ gói bánh tét. Trước đó, mỗi ngày đi chợ, mẹ mua một ít; từ lá chuối, lạt, đậu, nếp, thịt heo và nhiều thứ khác nữa. Lá chuối được cắt lại cho đẹp, trải ra sân phơi sơ qua để đỡ giòn, không bị tước ra khi gấp gói. Lạt thì cũng được ngâm nước nóng cho mềm. Công đoạn gói trải qua nhiều bước nhỏ: Ngâm đậu, nếp rồi để ráo, ướp thịt ba chỉ với gia vị, thơm thơm cay cay. Nhà không có điều kiện nhiều nên bánh tét mẹ gói thường năm nào cũng ít nhân, ít thịt thà hơn nhà người khác.

Khi mọi thứ xong xuôi, công đoạn gói chính sẽ thuộc về ba. Đầu tiên ba sẽ trải lá chuối phẳng phiu nhiều lớp, đổ nếp ra, tản đều, đi một đường rãnh ở giữa; sau đó, đổ lớp nhân đậu xanh lên, bỏ thêm thịt đã được tẩm ướp rồi phủ lên lớp nếp nữa. Sau cùng, ba cuộn lá, dùng lạt buộc lại. Thường ba chỉ buộc “sương sương” cho định hình thân bánh, rồi mình và mẹ sẽ buộc thêm nhiều vòng dây lạt nữa cho đến khi hoàn thành.

Cũng với những công đoạn tương tự, nhưng chiếc bánh mình tự tay gói nhỏ xíu xiu, tận dụng những tấm lá còn sót lại. Bánh nhỏ có nếp, đậu, thịt heo… đầy đủ; rồi cũng đem đi nấu như ai! Nhưng nhờ bánh nhỏ, chín trước, vớt ra để ráo nước vừa thổi vừa lột ăn, cảm giác ngon khó tả. Vị dẻo ngậy của nếp, cay the the của tiêu thấm vào lát thịt, cay lan sang cả nhân đậu xanh khiến vừa ăn vừa cứ phải hít hà.

Mùng một Tết, sau khi cúng ông bà, mâm cơm đầu năm mẹ dọn ra bao giờ cũng có những lát bánh tét được cắt bằng chính dây lạt gói bánh. Ngoài ăn với dưa món, nhà mình hay ăn theo kiểu lấy hai miếng bánh tráng nướng kẹp lát bánh tét ở giữa, cắn vào nghe giòn rụm, nếp bên trong thì dẻo. Tiết xuân lạnh nên nhà mình cũng thường chiên bánh tét giòn rụm lên ăn chung với củ kiệu dưa món, đơn giản nhưng rất hấp dẫn!

… Những ngày này, ở thành phố náo nhiệt, nhiều người tha hương như mình bắt đầu rục rịch đặt vé tàu xe về Tết! Cảm giác tha hương rõ rệt nhất có lẽ vào lúc người người nườm nượp, lỉnh kỉnh hành lý hối hả ra bến cho kịp chuyến xe về quê đón giao thừa. Ai cũng mong được về sớm để kịp phụ gia đình sửa sang lại nhà cửa, tuốt lá cây mai, mua sắm, thu dọn mọi thứ, hoặc chỉ đơn giản để kịp thức canh nồi bánh tét chín trong ánh lửa tí tách, bập bùng.

Những ưu tư, trăn trở của một năm làm việc mệt nhoài với muôn vàn khó khăn, áp lực dường như khiến người ta mừng rỡ hơn khi thấy Tết. Bởi Tết giống như một dấu chấm xuống hàng trên trang vở mà nhờ đó mọi người cũng như tạm “đóng gói” lại được những điều còn ngổn ngang, dở dang của năm cũ để trở về sum họp cùng gia đình, đón những điều mới mẻ.

Khi mình lớn lên và thấu hiểu được khái niệm chia xa thì cũng nhận ra một cái Tết đoàn viên trong tiết trời giá lạnh lại là điều… ấm áp nhất. Và một mâm cơm đầu năm sau thời khắc giao thừa với đầy đủ chén đũa líu ríu tiếng cười mới chính là “Tết” nhất. Mong cho người người phải đi làm ăn xa, năm nay, kịp chuyến xe về quê đón Tết! Và mong cho mùa xuân mới, những mâm cơm gia đình luôn rộn rã, đầy ắp tiếng cười…

Mê Tâm
Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)