Nước lũ rút đi, khi người lớn lo dựng lại nhà cửa thì cũng là lúc nhiều học sinh ở tỉnh Phú Yên cố bới móc trong đống bùn lầy với hi vọng tìm lại được sách vở.
Lê Thị Xuân Phú phơi lại toàn bộ sách vở như người ta phơi áo quần. “Hai ngày qua, tôi phải giặt từng cuốn sách vở vì dính đầy sình lầy. Năm nay là lớp cuối cấp mà sách vở như thế này không biết làm sao học” – Ảnh: Phi Long |
Sáng 6-11, thời tiết vẫn còn đỏng đảnh nắng mưa. Tại nhà rông ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa (Phú Yên), hai chị em Nguyễn Thị Kim Bông và Nguyễn Thị Quỳnh Như lúi húi mang sách vở ra ngoài lan can phơi. Mưa thì vội vã dọn vào, nắng lên lại mang ra phơi.
Nước cuốn con chữ
Nhà của hai em đến giờ vẫn còn ngập nước nên cả nhà phải ở nhờ nhà rông của thôn. Toàn bộ sách vở của hai chị em một phần bị trôi, một phần thì ướt. Cô chị Kim Bông, học sinh Trường THCS Suối Bạc, nói như mếu: “Sang học kỳ 2 con không biết lấy sách đâu mà học. Mẹ bỏ tất cả sách giáo khoa học kỳ 2 của hai chị em vào bị nilông treo trên cột nhà nhưng giờ thì nước cuốn trôi hết rồi”.
Mang chiếc cặp nhỏ xíu còn dính đầy bùn đất trên vai, em Rchăm Hơ Huyên, học lớp 3 cùng trường với bé Quỳnh Như, kể buổi sáng em gom sách vở mang đến trường để học nhưng thầy cô cho nghỉ, quay về nhà thấy buồn lắm vì nhà ngập, còn sách vở thì ướt nhẹp.
Những vùng bão lũ đi qua giờ đây đến đâu cũng thấy những bãi phơi sách vở của học trò. Trên bãi đất ở thị trấn La Hai (Đồng Xuân), Lê Thị Xuân Phú, học sinh lớp 12B3 Trường THPT Lê Lợi, vừa phơi những cuốn tập vừa nghẹn ngào. Nhà Phú đã bị nước lũ cuốn trôi tất cả mọi thứ. “Ngay cả mấy cuốn tập mới được người hàng xóm thương cho cũng bị bùn dính đầy, giờ không biết còn dùng lại được không” – Xuân Phú nghẹn lời.
Cách đó không xa, Nguyễn Thị Huỳnh Tú, học cùng trường với Phú, cũng đang rầu rĩ, lo lắng vì sách vở đã bị nước cuốn trôi tất cả. Tú kể lại: “Khoảng 10g đêm nước tràn vào nhà, em bê toàn bộ sách để lên trên bàn. Nước dâng lên tới bàn, em lại dời tiếp tục lên trần nhà. Cả nhà em đều trèo lên đó hết. Nước lại tiếp tục dâng lên, bố em dỡ mái ngói, em đưa sách vở lên trên mái nhà. Cuối cùng nước cuốn trôi tất cả. Em được người bác chèo xuồng đưa vào ở tạm nhà của những người hàng xóm phía sau”.
Bà Lê Thị Bảy giúp cháu nội là Gia Hoài (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) hong khô sách vở – Ảnh: Minh Thu |
Xa lắm đường đến trường
Trong căn nhà gần như bị sụp hoàn toàn, em Nguyễn Văn Thiệt – học sinh lớp 4 Trường tiểu học Hòa Hội (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) – nói như khóc: “Chỉ còn lại có mấy quyển sách vở làm sao đầu tuần con đi học được”. Cả ba và mẹ em đều đi làm thuê cuốc mướn cho những người hàng xóm để nuôi năm đứa con ăn học. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Lý, than thở: “Dành dụm được ít tiền vợ chồng cất tạm căn nhà nhỏ để có chỗ chui ra chui vào nhưng cơn lũ ập đến đã cuốn đi tất cả. Gạo, mắm, muối trong nhà cũng theo dòng nước đi mất”. Mấy ngày nay chị thấp thỏm chờ ai đó thuê mướn để kiếm tiền đong lon gạo nấu chạy bữa cho cả gia đình nhưng giờ ai cũng khó khăn thì lấy đâu…
May thay nghe tin UBND xã có phát quà cứu trợ, chị tất tả chạy đến nhưng quà cũng chỉ vỏn vẹn ba gói mì. Thiệt thấy mẹ mang mì về mừng quá ăn sống ngấu nghiến, hai gói còn lại chia đều cho bốn anh chị của em. “Tiền mua gạo còn không có thì không biết lấy gì mua sách vở mới cho con” – chị Lý than thở.
Cùng đi làm thuê cuốc mướn như chị Lý, chị Phan Thị Hoa cũng thở dài khi con gái Nguyễn Thị Hồng Như (lớp 6 Trường THCS Hòa Hội) nói đầu tuần phải đi học lại. Toàn bộ tài sản và cả mấy lon gạo treo trên đầu tủ cũng bị nước cuốn trôi, cái ăn phải chạy từng bữa thì chị cũng không biết lấy tiền đâu ra mua sách vở mới cho con. Khi thấy Thiệt và Như ríu rít với nhau chuyện chuẩn bị lại được đến trường, nét mặt của hai người mẹ càng trĩu nặng hơn.
Sau cơn lũ, nhiều ngôi trường ở Phú Yên vẫn còn ngổn ngang bùn đất, bàn ghế bị gãy nát trong khi hàng nghìn học sinh đang phải đối mặt với cảnh màn trời chiếu đất, không có sách vở để đến trường. Đường đến trường của họ từ lâu đã khó khăn nay lại càng xa vời vợi…
PHI LONG – QUANG PHƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)