Nỗi lo trước mắt là khả năng xảy ra các cuộc biểu tình gây rối và việc trì hoãn thực thi chính sách tài khóa
Cụ thể, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét vụ kiện có thể dẫn đến việc bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin. Trước đó, 40 thượng nghị sĩ hồi tháng 5 đã đệ đơn kiện ông Srettha vi hiến do bổ nhiệm ông Pichit Chuenban làm Chánh văn phòng thủ tướng bất chấp ông này từng ngồi tù.
Do ông Pichit đã từ chức trước khi tòa thụ lý đơn kiện nên phán quyết lần này tập trung vào ông Srettha. Theo Reuters, nếu ông Srettha bị bãi nhiệm, chính phủ mới phải được thành lập và đảng Pheu Thai cầm quyền cần đề cử ứng viên mới cho chức thủ tướng để quốc hội bỏ phiếu.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Bangkok hôm 1-5. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, Tòa án Hiến pháp còn xem xét vụ kiện yêu cầu giải thể MFP. Trước đó, tòa án này vào đầu năm nay phán quyết MFP đã vi phạm hiến pháp khi tìm cách thay đổi điều luật chống xúc phạm chế độ quân chủ.
Dựa vào phán quyết này, Ủy ban Bầu cử hồi tháng 3 đã kiến nghị tòa phán quyết về việc giải thể MFP. Hiện nắm 30% ghế hạ viện, MFP khẳng định không làm gì sai, đồng thời từ bỏ nỗ lực thay đổi luật lệ nói trên theo sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Cuối cùng, Tòa án Hiến pháp sẽ phán quyết liệu tiến trình bầu chọn thượng viện mới gồm 200 thành viên có hợp pháp hay không.
Theo đài Al Jazeera, cuộc bầu cử này vẫn đang diễn ra và nếu nó bị hoãn hoặc hủy, nhiệm kỳ của thượng viện khóa cũ sẽ tạm thời được gia hạn. Nhiệm kỳ 5 năm của 250 thượng nghị sĩ do Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia bổ nhiệm đã kết thúc hôm 10-5 vừa qua.
Cũng trong ngày 18-6, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra dự kiến chính thức bị truy tố tại một tòa hình sự ở thủ đô Bangkok vì cáo buộc xúc phạm hoàng gia và một số cáo buộc khác liên quan đến cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài hồi năm 2015. Tòa án sau đó sẽ quyết định có cho phép ông Thaksin được bảo lãnh hay không.
Trong nhiều thập kỷ, chính trị Thái Lan được định hình bởi cuộc đối đầu giữa phe bảo hoàng được quân đội hậu thuẫn với các đảng dân túy, như các đảng được ông Thaksin ủng hộ và MFP.
Giờ đây, theo tờ The Nation, các chuyên gia cảnh báo về khả năng xảy ra địa chấn trong chính trường Thái Lan từ hiệu ứng domino của 4 vụ kiện nói trên.
Từ góc độ chính trị, các vụ việc này có mối liên hệ và là một phần của cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra. Đáng chú ý, có 3 vụ kiện được khởi xướng bởi những nhân vật thuộc khối quyền lực bảo thủ cũ. Trong số này, hai vụ kiện liên quan đến bầu cử thượng viện và MFP được khởi xướng bởi ông Teerayut Suwankesorn. Ông Teerayut là người đồng sáng lập đảng Cải cách nhân dân ủng hộ quân đội.
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) nhận định các vụ kiện trên nêu bật sự mong manh và phức tạp của môi trường chính trị Thái Lan. Về mặt kinh tế, nỗi lo trước mắt là khả năng xảy ra các cuộc biểu tình gây rối và việc trì hoãn thực thi chính sách tài khóa.
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)