Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông đang nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc
Đây là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần thứ 5 năm học 2019-2020 diễn ra tại Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8) sáng 30-12.
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM và Sở GD-ĐT TP phối hợp tổ chức, nhằm mang đến cho học sinh những thông tin bổ ích về kỳ thi tuyển sinh 10, các hướng đi sau THCS… Nhằm giúp các em học sinh có được hướng đi đúng đắn, bà Nguyễn Đặng An Long (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có nhiều ngã rẽ khác nhau. Theo đó, các em có thể học lên THPT, học TC, CĐ hoặc học nghề… “Hướng đi nào cũng dẫn đến thành công, con đường nào cũng mang lại niềm hạnh phúc nếu bản thân thật sự cố gắng, vì vậy các em nên cân nhắc kỹ lưỡng để có con đường đi phù hợp nhất”, bà An Long nhấn mạnh. Liên quan đến con đường học CĐ sau khi tốt nghiệp THCS, bà Phạm Thị Hồng Phấn (đại diện Trường CĐ Việt Mỹ) cho biết từ năm 2019, Trường CĐ Việt Mỹ đã tham gia đào tạo chương trình CĐ cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Chương trình này gồm 2 giai đoạn: Ban đầu các em sẽ học chương trình TC (2 năm), sau đó chuyển lên CĐ. Với hình thức này, sau khi tốt nghiệp, các em sẽ được nhận 2 văn bằng là bằng tốt nghiệp THPT và bằng CĐ để tham gia vào thị trường lao động. Nhận thấy có nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS, một học sinh nữ hỏi: “Khi nào thì chúng em chọn học phổ thông, khi nào thì rẽ sang TC?”. ThS. Nguyễn Quỳnh Lâm (đại diện Trường TC Việt Giao) giải đáp: Muốn xác định bậc học, trước tiên người học phải xác định được ngành nghề. Đối với những ngành nghề hàn lâm như bác sĩ, kỹ sư… đòi hỏi trình độ cao thì nên tiếp tục học THPT, còn những ngành nghề thiên về thực hành như nhà hàng, khách sạn… thì chỉ cần học TC là có thể hành nghề. “Các em thường nghĩ học TC là có học lực yếu, kém; tuy nhiên sự lựa chọn này không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực mà phụ thuộc vào ngành nghề chúng ta lựa chọn sau này, phụ thuộc vào chiến thuật học tập. Không có ai là quá dở hay quá giỏi, con đường phù hợp với bản thân mới là con đường thành công”, ThS. Lâm nhấn mạnh. Trước thông tin hữu ích trên, em Nguyễn Thành Hiệp (lớp 9/4) băn khoăn: “Em muốn trở thành cầu thủ đá bóng thì có cần học lên nữa không, hay chỉ cần đá bóng giỏi là đủ?”. Với câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A phân tích: Muốn làm cầu thủ thì không chỉ biết đá bóng mà còn phải có kỹ năng, kiến thức, đạo đức…, như vậy mới được mọi người yêu quý, trân trọng. Muốn được như vậy thì tốt nghiệp THCS thôi thì chưa đủ mà các em cần phải học lên THPT, rèn luyện ngoại ngữ để giao lưu với bạn bè quốc tế. Ngoài những kiến thức được học ở trường thì việc học ở các học viện bóng đá, tham gia vào CLB của quận/ huyện sẽ là thế mạnh để trở thành cầu thủ giỏi.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)