Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Con đường thành công không mang tên đại học: Bài cuối: Học nghề để chinh phục đỉnh vinh quang

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Trần Phước Tuyền (đứng giữa) trong ngày đạt giải nhất trong cuộc thi Cà lê vàng năm 2009)

“Ngày tôi đi học nghề sửa xe gắn máy nhiều người bảo tôi quê mùa, nhưng tôi nghĩ, dù học bất cứ nghề gì mà thành công thì vinh quang đều như nhau. Có chăng là ở cách nghĩ của mọi người mà thôi”- Trần Phước Tuyền, người đoạt giải Cà lê vàng năm 2009 và giải tư khu vực Đông Nam Á về thi sửa xe gắn máy, tâm sự như vậy.
“Bác sĩ” xe gắn máy
Hiện nay, Việt Nam có hàng triệu người sử dụng xe gắn máy, bên cạnh đó không thể thiếu lực lượng thợ sửa xe hàng ngày, hàng giờ trở thành “bác sĩ” cho những chiếc xe gắn máy mỗi khi chúng bị hỏng hóc. Và người thợ sửa xe đã thật sự có chỗ đứng trong xã hội, họ đã được tôn vinh ở những cuộc thi sửa xe mang tầm quốc tế. Điều đặc biệt hơn là họ đã có cuộc sống tốt bằng chính nghề của mình, có không ít người đã trở thành doanh nghiệp như anh Trần Phước Tuyền, chủ doanh nghiệp cung cấp phụ tùng xe gắn máy trên đường Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM).
Tốt nghiệp THPT, anh Tuyền đăng ký học lớp sửa xe gắn máy ngắn hạn tại một trung tâm dạy nghề quận 8. Hành trang bước vào nghề của anh ngày ấy ngoài quyết tâm phải học giỏi để trở thành thợ lành nghề thì không còn thứ gì khác. Không ít bạn bè cùng trang lứa nói “nghề sửa xe máy thì có gì mà học, suốt ngày tay chân lem luốc dầu mỡ…”. Bỏ ngoài tai những lời chê bai đó, anh Tuyền bước vào học nghề mà không chút đắn đo. Sau 2 năm học ở trung tâm với tay nghề khá “cứng”, anh được nhiều công ty dọn sẵn chỗ để về làm việc. Nhưng anh đã chọn cho mình con đường tự lập – thành lập cửa hàng sửa xe gắn máy. Anh Tuyền cho biết: “Ngày mới thành lập cửa hàng rất khó khăn vì học trong trường khác xa với thực tế. Nhiều “bệnh” khó mất cả ngày trời mới sửa xong. Nhưng đã theo nghề thì phải đam mê. Bây giờ có nhiều loại xe đời mới, với kỹ thuật mới nên tôi luôn phải mày mò học tập bổ sung kiến thức”. Hiện nay cơ sở của anh đã ăn nên làm ra, không những là nơi sửa xe mà còn là nơi cung cấp phụ tùng xe gắn máy cho nhiều đại lý khác. Bà Trương Thị Thu Hiền (mẹ anh Tuyền) vẫn chưa tin là người con trai mà trước đây bà “bắt” phải thi đại học lại trở thành ông chủ doanh nghiệp, một người thợ giỏi như hiện nay. “Hồi đó tôi chỉ muốn con mình vào đại học, nhưng thấy niềm đam mê của cháu với nghề sửa xe gắn máy tôi đành bất lực. Đến giờ khi cháu đã có cuộc sống ổn định, có nghề nghiệp đàng hoàng mà không phải ai học đại học ra cũng đạt được thì tôi mới thấy cách suy nghĩ của mình trước đây là sai” – bà Thu Hiền nói.
Lên đỉnh vinh quang
Ngày 30-9-2009 là ngày đáng nhớ nhất của anh Phước Tuyền vì: “Ngày hôm đó tôi được công nhận là người thợ giỏi thực thụ trong cuộc tranh tài của hơn 10.000 thợ sửa xe gắn máy đến từ mọi miền của đất nước. Đặc biệt hơn, tôi đã được chọn đi thi tài ở khu vực Đông Nam Á. Đó là ước mơ, là niềm hãnh diện nhất đối với một người thợ như tôi” – anh Tuyền nói. Bây giờ anh không những là người thợ sửa xe gắn máy giỏi, ông chủ một doanh nghiệp mà anh còn là người thầy của nhiều bạn thanh niên ở khắp nơi đến đăng ký học nghề. Anh Tuyền cho biết: “Không có gì vinh dự hơn là trở thành người thầy truyền đạt lại tay nghề cho nhiều bạn trẻ. Tuy tôi mới chỉ bắt đầu dạy nghề nhưng công việc này xem ra rất thích hợp với tôi”. Khi trao đổi với chúng tôi, anh cho biết đang ấp ủ nhiều kế hoạch như trở thành doanh nghiệp phân phối xe gắn máy lớn ở TP.HCM và các tỉnh, đồng thời muốn giảng dạy ở các trường, trung tâm sửa xe gắn máy trong thời gian tới”.
Văn Mạnh

Bình luận (0)