Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Con đường tốt nhất nhưng không phải duy nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Marie Curie tìm hiểu thông tin ngành nghề tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Anh

Vào ĐH là con đường lập thân, lập nghiệp tốt nhất. Đa phần là như vậy. Tuy nhiên, ĐH là con đường tốt nhất nhưng không phải là duy nhất. Điều này rõ ràng không cần phải bàn cãi vì thực tế đã cho thấy điều đó không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Bởi có những con người thành công và cực kì thành công không phải xuất phát từ học vấn mà là từ thực tiễn cuộc sống; dẫu là số ít nhưng cũng là vấn đề chúng ta cần suy ngẫm.

Từ xưa, ông cha ta đã đúc kết phương châm “học đi đôi với hành”. Học và hành là hai mặt thống nhất và bổ sung cho nhau. Nếu chỉ học mà không hành, không áp dụng vào thực tế thì việc học ấy trở nên vô ích, xa rời cuộc sống. Đúng như văn hào Gớt đã khẳng định: “Mọi lý thuyết đều là màu xám/ Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Ngược lại, nếu hành mà không học thì làm gì cũng mò mẫm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân. Làm việc không có kiến thức thì không nắm được bản chất sự việc, hiện tượng, khó thành công và đôi lúc trở thành “kẻ phá hoại”. Bởi vậy, giữa học và hành cần song hành với nhau thì dễ dàng dẫn đến thành nhân và thành danh. Tuy nhiên, trước thực trạng sinh viên tốt nghiệp để rồi… thất nghiệp ngày càng nhiều, thậm chí số lượng thạc sĩ thất nghiệp cũng không ít thì con đường vào ĐH cũng là vấn đề cần quan tâm.

Ở quê tôi, sinh viên tốt nghiệp ra đa phần để làm công nhân. Một số quay trở về ruộng đồng làm anh nông dân chính hiệu. Còn những người có công ăn việc làm bằng đầu óc (có thể trái ngành học) cũng phải bỏ ra bộn tiền để “chạy chức” (việc này khá phổ biến). Bởi vậy, việc học lên ĐH quá dễ dàng (chỉ cần tốt nghiệp THPT sẽ trở thành sinh viên ĐH) khiến cho Việt Nam thừa thầy thiếu thợ, học cao vẫn tụt hậu bởi khâu đào tạo tràn lan, chất lượng chưa đúng thực tế. Cho nên, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT chọn trường nghề, hay gác bút đi làm công nhân cũng là điều dễ hiểu. Có những trường hợp đặc biệt, dù đậu vào ĐH công lập, gia đình có điều kiện nhưng thí sinh vẫn quyết định làm công nhân.

Khi định hướng lập nghiệp không qua con đường ĐH, học sinh cần phải có ý chí, quyết tâm và theo đuổi hết mình vì con đường đã chọn thì chắc chắn sẽ thành công. Nhiều người quan niệm rằng, có học mới thoát nghèo nhưng thực tế ở quê tôi đôi khi lại khác. Bốn năm học ĐH tốn rất nhiều tiền, ra trường không xin được việc, tiền vay mượn cho việc học lại phải gồng mình trả nợ bởi những đồng lương làm việc tay chân.

Hoàng Thái Hùng
(Giáo viên Trường THCS – THPT Bác Ái, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)