Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Con đường văn sĩ”: Phác họa một thế hệ nhà văn tiền chiến

Tạp Chí Giáo Dục

Đọc "Con đường văn sĩ" là đọc những trang sử quý về các hoạt động cách mạng và yêu nước của trí thức tiểu tư sản thành thị.

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, ngày 24-4 tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt sách "Con đường văn sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cuốn sách là những trang nhật ký được viết suốt những năm 1938 – 1945 đánh dấu hành trình khát khao cống hiến trên con đường văn học của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Những ngày đầu đến với văn chương, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng coi viết nhật ký là một cách rèn luyện cách viết văn. Ông quan niệm: "Tôi đang chép nhật ký và suy xét mình, và tìm lấy một quan niệm về nhân sinh" (nhật ký ngày 24-11-1938).

Tập sách “Con đường văn sĩ” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Tập sách “Con đường văn sĩ” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Yến Anh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho biết từ năm 1938, Nguyễn Huy Tưởng mới khẳng định mình theo đuổi nghề văn và bắt đầu viết nhật ký một cách đều đặn. Từng trang viết cho thấy cách ông vượt qua những tìm tòi ban đầu để đến với văn chương, tìm đến lịch sử dân tộc để ký thác tấm lòng, hình thành nên tên tuổi Nguyễn Huy Tưởng ở tiểu thuyết và kịch.

Trong "Con đường văn sĩ", người đọc tìm thấy những bạn văn chương của Nguyễn Huy Tưởng, gồm các tên tuổi lớn như Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… "Qua đó, tôi hiểu thêm về các nhà văn một thời, hiểu thêm về thế giới văn chương mà cha tôi đã sống, cả những biến động của thời đại, những dấu ấn lịch sử, sự kiện mà cha tôi trực tiếp trải qua hoặc góp phần mình vào đó" – ông Nguyễn Huy Thắng nói.

Theo TS văn học Đỗ Thanh Nga, nhật ký nhà văn là một tư liệu đặc biệt, bởi trong đó nói lên khát vọng của một con người, ý hướng ra sao, quan niệm sáng tạo văn chương được bộc lộ thế nào… Đọc "Con đường văn sĩ" là đọc những trang tư liệu chân thực để tìm hiểu về con đường lập thân lập nghiệp của người thanh niên – công chức Sở Thuế quan trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng.

Cuốn sách không chỉ dành cho những ai yêu văn chương nói chung, yêu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng, mà còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về tác giả Nguyễn Huy Tưởng và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến.

Nguyễn Huy Tưởng đến với công việc viết văn khá muộn. Những năm tháng tuổi trẻ, không cam chịu đời viên chức cạo giấy, ông tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động truyền bá quốc ngữ, hướng đạo sinh.

Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa Cứu quốc bí mật. Tháng 8-1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như "Vũ Như Tô", "Đêm hội Long Trì", "Bắc Sơn", "Sống mãi với thủ đô"… Độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ yêu quý ông qua các tác phẩm thiếu nhi đặc sắc "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Tìm mẹ", "An Tư công chúa", "Cô bé gan dạ"…

"Con đường văn sĩ" gồm 3 phần. Phần 1, những trang nhật ký từ 1938 – 1939. Phần 2, nhật ký những năm 1940 – 1943. Phần 3, những trang nhật ký từ 1943 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Giữa phần 1 và phần 2 là "một thiên ký sự" những trang nhật ký về một tháng tân hôn cũng rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Theo Yến Anh/NLĐO

 

Bình luận (0)