Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Con em chúng ta học gì trong nhà trường?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân đu năm hc mi, đt câu hi trên có l… vô duyên, bi con em chúng ta hc gì thì đã có chương trình ca B GD-ĐT lo…


Hc sinh ngi hc trong lp (nh minh ha). Ảnh: Y.H

Trên thực tế, các thế hệ học sinh đã được học nhiều điều hay, có ích không chỉ từ chương trình mà còn sự tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm của bao nhiêu thầy cô giáo. Và trong nhiều năm qua, đã có bao nhiêu thế học học sinh trưởng thành, là người có kiến thức, năng lực, đã và đang có nhiều đóng góp cho đất nước.

Đó là góc nhìn rộng, tổng thể. Còn ở góc nhìn hẹp, chi tiết, thực tế chúng ta có quyền băn khoăn về những điều con em mình đang học được ở nhà trường. Nếu ai đó đọc những lời sau đây từ lời tựa của quyển Thế hệ ngày mai (viết năm 1952) của học giả Nguyễn Hiến Lê thì hẳn sẽ có những băn khoăn không nhỏ. Tâm trạng này chắc không phải chỉ của những bậc làm cha mẹ khi lần đầu tiên đưa con đến trường mà còn của bất kỳ phụ huynh nào: “Suốt đời ta, chỉ có những lúc ấy là chúng ta đem con của chúng ta giao cho người lạ để nhờ uốn nắn, giáo hóa. Phải có một lòng tin người mãnh liệt hoặc một lòng thờ ơ đáng tội với tổ tiên và nòi giống mới có thể đem thịt của chúng ta, máu của chúng ta giao cho người như vậy được. Và chắc có nhiều bạn, sau khi đưa con tới trường lần đầu tiên, về nhà tự hỏi: “Không biết việc ta làm đó phải hay trái? Người lãnh con ta có đáng tin không? Phương pháp giáo dục có đáng tin không?”…”. Những câu hỏi đó của Nguyễn Hiến Lê chắc cũng là của nhiều bậc cha mẹ, từ rất nhiều thế hệ, hiện nay lại càng lo lắng hơn. Dĩ nhiên các phụ huynh có lòng tin mới đưa con đến trường, nhưng lòng tin đó khó có thể nói là tuyệt đối. Chương trình dạy học, sách giáo khoa, phương tiện, đồ dùng dạy học, trường lớp, môi trường xung quanh nhà trường, kiến thức, trình độ, cách truyền đạt và tấm lòng của thầy cô… và cả học phí đều có thể là mối bận tâm của phụ huynh. Tức là chuyện “vĩ mô” như chính sách giáo dục, triết lý giáo dục cho đến việc “vi mô” như từng cử chỉ, lời nói của người trực tiếp đứng lớp đều đáng được quan tâm. Chẳng hạn, chương trình các bậc học hiện nay có phải là quá nhiều cho trẻ? Sách giáo khoa có chỗ còn sai và chưa thực sự phù hợp cho học sinh tất cả các vùng miền trong cả nước? Đồ dùng dạy học còn thiếu nhiều và chưa theo kịp yêu cầu giảng dạy? Trường lớp phần nhiều vẫn còn chật chội, thiếu mảng cây xanh và không có không gian cho học sinh vui chơi? Xung quanh trường học vẫn còn ít nhiều nguy hiểm, nhất là với bạo lực, tệ nạn xã hội? Cách truyền đạt của một bộ phận giáo viên chưa kích thích được khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ? Cách cho điểm, đánh giá có thực sự khách quan, công tâm và có tác dụng giáo dục thiết thực? Thái độ, lời nói của một số giáo viên vẫn chưa thực sự làm gương cho trẻ?… Tất cả những điều đó đều là mối lo của phụ huynh. Đặc biệt, với trẻ học mẫu giáo và học sinh tiểu học, độ tuổi đang định hình nhân cách, tính cách, thầy cô giáo là người có tác động trực tiếp và rất quan trọng. Vì vậy, sự quan tâm của phụ huynh đến việc học tập của con em trong nhà trường lại càng sâu sắc hơn.

Ngoài ra, những vấn đề khác có liên quan cũng không thể thờ ơ, như chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường ra sao, giấc ngủ trưa của trẻ có được bảo đảm, sự an toàn của trẻ (kể cả việc phòng ngừa bạo lực và xâm hại) có được chắc chắn, quan hệ bạn bè (thậm chí yêu đương) của học sinh tại trường có được quản lý, việc phát triển các kỹ năng từ học chính khóa và ngoại khóa ở nhà trường được tổ chức ra sao… Tất cả những vấn đề đó đều có thể làm cả giáo viên cũng không thể trả lời đầy đủ, trọn vẹn, nói gì đến phụ huynh!

Thế nhưng, có lẽ phần lớn phụ huynh dù có quan tâm cũng khó có thể biết con em mình đã được dạy gì, được học như thế nào, được thầy cô giáo quan tâm, đối xử ra sao. Bởi dù tiếp cận với sách giáo khoa nhưng thật khó để biết được sách giáo khoa đó được truyền đạt đến con em mình như thế nào, với thái độ như thế nào, được kiểm tra, đánh giá ra sao, việc xếp loại có thực chất không?… Mỗi năm 2 hoặc 3 lần, phụ huynh được mời họp để nghe phổ biến tình hình học tập của con em nhưng thực ra không có thì giờ để giáo viên nêu được việc học của từng học sinh cho cha mẹ em đó biết. Có khi, nhà trường tổ chức hội giảng, thực hiện một tiết dạy “đặc biệt” có sự theo dõi của phụ huynh, để xem con em mình học tập như thế nào, nhưng điều này quả thực rất hiếm và thường có sự “chuẩn bị”, “sắp đặt” nhất định. Vì vậy, có thể nói sự hiểu biết, thông cảm và phối hợp lẫn nhau trong việc giáo dục trẻ giữa nhà trường và gia đình luôn có khoảng cách. Không chỉ vậy, với bao nhiêu điều đã xảy ra, nếu khu biệt lại từng trường, từng lớp, thì chúng ta cũng có quyền thắc mắc rất nhiều điều. Như với vụ việc giáo viên ở Nhà Bè (TP.HCM) dạo nọ không giảng suốt mấy tháng lên lớp, học sinh (ở lớp đó) sẽ học được những kiến thức gì đây? Học sinh sẽ học được gì về thái độ ứng xử của người lớn, của người làm thầy với thế hệ trẻ, chính là học sinh của mình? Học sinh sẽ học được gì khi sự thẳng thắn, mạnh dạn và trung thực lại phải đối đầu với sự phản đối, tẩy chay đầy áp lực? Liệu có ai chắc rằng những điều học sinh học được đó, được trải nghiệm đó sẽ là chất liệu, là động lực để các em trở thành công dân tốt, những cá nhân có phẩm chất và đạo đức tốt?

Nhìn rộng hơn với bao nhiêu vụ việc khác, học sinh sẽ học được gì và những “tiền đề” đó sẽ giúp các em trở nên như thế nào nay mai hay sẽ gieo vào đầu óc và tâm hồn trẻ những vết thương lòng khó xóa mờ được? Có phải học sinh sẽ ám ảnh với chiếc giẻ lau bảng khi nhớ đến lần bị uống nước vắt ra từ chiếc giẻ đó? Có phải học sinh sẽ nhìn trường lớp với thái độ bất kính khi biết có hiện tượng “chạy chọt” ở vị trí đứng lớp? Có phải học sinh sẽ học cách nói dối như cô hiệu trưởng đi taxi tông gãy chân học sinh rồi “làm phiếu khảo sát” là không ai thấy việc đó? Có phải học sinh sẽ học cách im lặng trước bất công và sai trái để khỏi bị trù dập, công kích? Có phải học sinh sẽ học cách hành xử bạo lực khi chính em là nạn nhân của thầy cô giáo ngay trên lớp học?… Và còn rất nhiều câu hỏi khác nữa. Bởi các em không chỉ “học được” từ thầy cô giáo mà còn từ bác bảo vệ, chị lao công, cô bảo mẫu, cho đến các bạn bè, anh chị em chung trường và cả các phụ huynh nữa.

Câu hỏi “con em ta học gì trong nhà trường” tưởng là câu hỏi đơn giản hóa ra lại rất khó trả lời cho thấu đáo và hầu hết chúng ta đều có phần hoài nghi những gì con em mình học được cũng như những gì chúng ta được nghe nhà trường thông báo lại. Suy cho cùng, nếu nhà trường là nơi trong lành, đầy tình yêu thương và sự bao dung thì hẳn chúng ta sẽ yên tâm biết bao về sự học của con em mình!

Cho nên, đầu năm học mới, nêu lên câu hỏi này thực sự là một trông đợi và cũng là nhắc nhở của phụ huynh học sinh đối với nhà trường, đối với các giáo viên!

Trúc Giang

 

Bình luận (0)