Cô Thanh Ngọc đang hóa trang cho một nhân tượng |
Nghệ thuật nhân tượng (NT) từ lâu đã phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các nước phương Tây có nền văn hóa lâu đời như Pháp, Italia… Tại Việt Nam, bộ môn này vẫn còn khá mới mẻ nhưng hứa hẹn nhiều bất ngờ. Nó được xem là “cơn gió lạ” không thể thiếu trong các hoạt động quảng cáo hay giới thiệu sản phẩm.
Nghệ thuật mới
Không giống như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, nhân tượng (NT) không dùng ngôn ngữ, không kết hợp nhạc cụ mà chỉ đơn thuần là sử dụng các động tác của thể hình, đặc biệt là đôi mắt để biểu diễn sao cho có hồn và sinh động nhằm “ghi dấu” và tạo sự thích thú nơi người xem. Anh Võ An Nguyên – Phó giám đốc Công ty TNHH Tiếp thị và Giải trí quốc tế cho biết: “Việc sử dụng manacanh trong các showroom thời trang hay các hoạt động hội chợ, hội nghị… đã không còn mới lạ. Thay vào đó NT (diễn viên giả làm tượng) là cách tạo ấn tượng mạnh nhất để người xem ghi nhớ về một sự kiện. Bởi lẽ, mặc dù đứng yên nhưng NT mang đến một thần thái, một sức sống thông qua sự trình diễn của cơ thể, đặc biệt là đôi mắt của diễn viên”. Muốn trở thành NT, người diễn thường phải mặc y phục bó sát cơ thể, được hóa trang toàn thân bằng một loại mỹ phẩm đặc biệt hoặc phủ kín bởi các loại nhũ màu. Sau đó, với sự sáng tạo trong từng chủ đề, diễn viên sẽ được trang điểm cầu kỳ bởi nhiều hoa văn, họa tiết nhằm làm nổi bật nội dung cần trình diễn. Cuối cùng, họ được hướng dẫn tạo dáng đứng, dáng ngồi hay kết hợp với nhiều bạn diễn… theo yêu cầu của chương trình nhất là phải duy trì tư thế bất động ấy trong một thời gian khá dài. Tùy vào độ khó của tư thế mà NT sẽ “hóa tượng” trong bao lâu và khi nào thì có thể đổi tư thế cho đỡ mỏi. Tuy nhiên, “Thay đổi vị trí phải thực hiện dần dần và rất chậm để người xem không nhận thấy. Còn đôi mắt phải nhìn “chết” một điểm và chỉ được chớp tối thiểu 15 giây/ lần”, anh Nguyên cho biết.
Việc sử dụng nghệ thuật NT thường mang đến cho người xem sự ngạc nhiên và thích thú. Tham dự các chương trình, hầu hết khách hàng đều tỏ ra hiếu kỳ và dừng lại rất lâu trước điểm nhấn là các NT. Bạn Trần Thị Vân Linh, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, có thâm niên 2 năm làm diễn viên NT kể: “Đa số khách hàng đứng xem rất lâu để tin chắc đây chính là… tượng. Thế nhưng, sau khi nhìn thấy chúng tôi di chuyển chậm, họ đều vỡ òa trong sự ngạc nhiên…”.
Còn nhiều trở ngại
Tham gia làm diễn viên NT chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên. Hầu hết các bạn tìm đến với môn nghệ thuật này là vì lòng đam mê thật sự chứ không vì một giải pháp bảo đảm kinh tế. Bởi lẽ mức cát-xê cho một người tượng thường chỉ dao động từ 100-200 ngàn đồng/ giờ diễn. Anh Nguyên chia sẻ: “Không thể coi làm NT là một nghề bởi nó không mang lại khoản lương ổn định cho người diễn. Vì vậy, NT chỉ chào đón những ai yêu thích và đam mê sự mới lạ của nó”. Bên cạnh đó, quy luật đào thải diễn viên đối với lĩnh vực này cũng diễn ra rất khắc nghiệt. Mặc dù NT ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, song không phải diễn viên nào cũng có quyết tâm và sự nhiệt tình để… hóa tượng trong khoảng thời gian khá dài.
Tại Việt Nam, cùng với sự lớn mạnh của các công ty quảng cáo, thiết kế hay tổ chức sự kiện, nghệ thuật NT hầu như chỉ có mặt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Là một loại hình khá mới mẻ và hứa hẹn nhiều đột phá trong trình diễn, song NT tại nước ta vẫn gặp nhiều trở ngại từ việc sáng tạo đến hóa trang. Theo cô Thanh Ngọc, giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, mỹ phẩm chuyên dùng cho NT vốn chưa được bán ở Việt Nam, do đó phải tốn rất nhiều chi phí cho việc mua mỹ phẩm từ các nước. Không những thế, nước ta tuy đã có các khóa đào tạo về bộ môn này song nghệ sĩ, các chuyên viên trang điểm hoạt động trong lĩnh vực này cũng chưa nhiều, giá cát-xê dành cho diễn viên cũng không cao.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Cũng theo Linh, yếu tố quan trọng khi làm NT là phải có một hình thể đẹp, sức khỏe tốt và sự dẻo dai của cơ thể. Ngoài ra, họ còn phải biết diễn vì nếu chương trình yêu cầu, người tượng phải đứng liên tục đến hơn 3 giờ đồng hồ mới được phép giải lao. |
Bình luận (0)