Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Con heo nhựa ngày ấy

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình tôi dạo ấy phải chia hai vì hoàn cảnh. Bố mang anh đầu ra Quảng Bình công tác, mẹ vẫn ở lại xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để làm cô giáo làng. Tất nhiên tôi ở với mẹ. Năm ấy tôi 7 tuổi.

Nơi mẹ con tôi sống vào thời ấy là một vùng quê cằn cỗi, nghèo khổ. Cái nơi mà ngày nhà giáo Việt Nam trò mừng thầy cô buồng chuối, bao lạc, nơi mà cả làng cùng xem tivi ở một chỗ (cái tivi đen trắng, chạy bằng ắc-quy của nhà ông Tứ, giàu nhất làng vì buôn gỗ), nơi mà lũ trẻ như tôi chưa biết đến cái quả bóng bằng da nó ngược xuôi như thế nào…

Mẹ con tôi được cấp cho một ngôi nhà cấp bốn ọp ẹp nằm trong tổng thể ọp ẹp của cả khu giáo viên nội trú. Nhưng dẫu sao nền cũng được láng xi măng, ngày ấy ao ước của tôi cũng đến chừng đó. Tôi là đứa con nít duy nhất của cả khu tập thể. Sống thiếu thốn hơi ấm của cha, nhưng đổi lại tôi lại có sự cưng chiều của hết thảy các giáo viên trong khu tập thể ấy vì đa số họ đều là người trẻ chưa có gia đình.

Ao ước có một quả bóng da thật đẹp, tôi nằn nì mẹ mua cho một con heo nhựa để tiết kiệm tiền, nhỏ thôi, nhưng với tôi thế là quá đủ. Tôi cẩn thận bỏ nó trong cái vali, lấp áo quần lên để “che” và đậy nắp, lấy chiếc đũa cài qua “khóa” va li lại. Mỗi ngày phải “kiểm tra” đến ba bốn lần dù biết, nó chẳng “béo” lên tí nào.

Mẹ chỉ cho tôi tiền mỗi lần mẹ nhận lương nên số tiền nhét heo đa phần là do tôi “lao động” mà có được. Vốn mẹ có tăng gia nấu rượu nuôi heo, nên cứ sáng sớm mẹ chuẩn bị thức ăn cho heo, bắc nồi nấu rượu lên rồi đến lớp…Tôi ở nhà làm “quản đốc” nhà bếp. Chăm chú nhìn từng giọt rượu nhỏ xuống, chốc chốc lại phải quát lũ heo cứ rống lên đòi ăn. Sau khi đã lấy được hết rượu phải hòa vào can lớn với tỉ lệ thích hợp và đi bỏ mối cho mẹ. Theo quy định thì hoàn thành chuỗi công việc đó tôi sẽ nhận được 500 đồng. Đôi khi cũng có thưởng, trúng mánh khi các chủ mối bỏ rượu “thương tình” cho thêm cây kẹo, que kem…

Nghĩ lại đôi khi cũng buồn cười nhưng ngày ấy tôi đúng là một thợ “đụng” bẩm sinh -đụng đâu làm đó. Ai sai cái gì cũng làm. Không phải ham hố gì mấy đồng bạc nhưng cái thủa bé ngây thơ thế chỉ biết nhận khi có ai đó cho… Các cô trong khu tập thể sai tôi đi mua cái gì đó (có khi là mua lọ nước mắm, củ hành, gói muối) bao giờ cũng đưa thừa 200 đến 500 đồng. Trả lại thì các cô không lấy, tôi đành nhận! Mỗi ngày “lao động” vất vả là có thể thêm cho heo khoảng 1000 đồng.

Ngoài “lao động chân tay” ra tôi còn “lao động trí óc” để kiếm tiền bỏ heo. Mẹ vốn là cô giáo dạy văn, chữ nghĩa lai láng lại hay viết thơ viết truyện cho mấy tờ tạp chí trong tỉnh. Mỗi đêm mẹ chong đèn viết, tôi cũng viết. Bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí Hương đầu mùa viết về chuyện mẹ may áo cho tôi. Nhuận bút 15.000 đồng. Một số tiền khá lớn với cậu bé lớp 2 và heo nhựa lại được vỗ béo.

Một năm trời trôi qua, gia đình tôi vẫn chưa được ở gần nhau, chỉ có đôi ba lần bố lặn lội vào thăm hai mẹ con. Vội vàng cuống quýt rồi bố cũng đi. Bố bảo đang tiết kiệm tiền mua đất ngoài thị xã. Khi ổn định mới đem hai mẹ con tôi ra được. Có thể thời gian xa nhau sẽ còn kéo dài… Mẹ lưng tròng nước mắt.

Dẫu ước mơ về quả bóng da tuyệt đẹp vẫn đang còn ấp ủ, nhưng biết làm sao được khi bố cần tiền để lo những thứ lớn hơn. Lấy con heo ra ngồi nép vào một góc, con dao trong tay tôi như muốn run lên vì phải mổ bụng con heo nhựa suốt một năm trời chăm bẵm…

Roẹt… bụng nó tứa ra bao nhiêu là tờ 200, 500 đồng (được gấp nhỏ để tiết kiệm diện tích), chục tờ 1000 đồng, hai tờ 5000 đồng và có duy nhất một tờ 10.000 đỏ chóe. 87.200 đồng là tổng số tiền trong heo sau khi được tôi đếm lui đếm lại ba bốn lần.

Thương bố và biết rằng bố cũng chẳng nỡ lấy tiền của đứa con trai út đâu nên tôi đưa cho mẹ, hòa vào tiền của mẹ để đưa cho bố ra mua đất, để cả nhà được sớm gần nhau. Mẹ không khóc, mà nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến lạ. Tôi cũng cảm thấy thực sự tự hào về việc làm của mình.

Nay đã lớn nhưng con heo nhựa vẫn là một “nỗi nhớ dịu êm” trong tôi. Xa lắm rồi cái thời nghèo khổ ấy, nhưng những lúc rảnh mẹ lại lôi chuyện con heo nhựa của tôi ra kể. Trong ngôi nhà ấm cúng (có cả tiền tôi góp) vang lên những tiếng cười giòn tan.

Tâm Sĩ (dantri.com.vn)

Bình luận (0)