Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cơn khát nhạc trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Có quá đối nghịch không khi nhạc trẻ đang là con át chủ bài, chiếm lĩnh hầu hết các sân khấu, tụ điểm ca nhạc cũng như sóng truyền hình, vậy mà người ta vẫn đang "khát" nhạc trẻ?

Thế giới V-pop, một trong các chương trình nhạc trẻ khá “đình đám”-Ảnh: T.T.D.

Khó có thể thống kê nổi số lượng các chương trình ca nhạc hiện nay trên địa bàn TP.HCM vì một điều đơn giản: quá nhiều. Chỉ trong vòng ba tháng trở lại đây, bên cạnh các chương trình ca nhạc cũ, hàng loạt chương trình nhạc trẻ mới ra đời với sự tham gia của cả đơn vị tư nhân lẫn nhà nước.

Chồng chất chương trình tối thứ bảy

Ðầu tiên là chương trình Giai điệu Việt do nhà hát Bến Thành kết hợp cùng Giai điệu Việt audio & video làm chủ xị, ra mắt định kỳ hai tháng/lần. Sau đó là Nhịp điệu teen do Nhà văn hóa Thanh niên kết hợp với Công ty Nhạc Xanh đồng tổ chức vào các tối thứ 7 của tuần thứ nhất và ba trong tháng.

Chương trình Ðêm sao teen cũng vừa ra mắt với lịch biểu diễn vào các tối thứ bảy tuần thứ hai và tư trong tháng tại Nhà văn hóa Thanh niên. Hòa nhịp bạn trẻ do Công ty Cát Tiên Sa phối hợp với HTV thực hiện được tổ chức vào tối thứ bảy của tuần thứ ba mỗi tháng tại CLB Nguyễn Du. Tham gia chương trình này, ngoài những ca sĩ, nhạc sĩ VN còn có sự xuất hiện của một ca sĩ khách mời nước ngoài.

Ngoài các chương trình mang tính định kỳ, các chương trình mang tính tự phát cũng phong phú và đa dạng không kém như Ðêm ngàn sao, Lấp lánh ánh sao… với một rừng sao từ to đến nhỏ.

Ðiều dễ dàng nhận ra từ lịch trình kín bưng của các chương trình ca nhạc nói trên là sự phân bố chưa thỏa đáng. Nhiều chương trình chồng chất lên nhau vào các tối thứ bảy mỗi tuần khiến người xem cũng… rối khi muốn lựa chọn. Ðã vậy, chưa xét đến yếu tố nội dung, chương trình nào cũng na ná nhau các tên gọi, không phải "teen" thì là "sao". Thế cũng đủ làm khán giả nản lòng: "Xem cái nào chả thế!".

Chiếm sóng truyền hình

Thật ra, nếu không tính đến gần chục chương trình ca nhạc mới ồ ạt ra đời trong khoảng thời gian gần đây thì sóng truyền hình cũng đã "bội thực" lắm rồi bởi một thực đơn toàn là nhạc trẻ. Có thể kể đến một số chương trình nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới trẻ như Thế giới V-pop, phát sóng định kỳ trên BTV1 vào tối thứ hai của tuần thứ hai và tư trong tháng, Alo @ Ngôi sao phát sóng một lần/tháng trên Ðài truyền hình Bình Dương, chương trình Hot music do Công ty Quang Cường phối hợp với kênh giải trí Yeah1TV lên sóng vào tối chủ nhật mỗi tuần.

Với sự ra đời của các chương trình nhạc trẻ gần đây, sóng truyền hình lại tiếp tục bị công phá dữ dội. Nào là Hòa nhịp bạn trẻ được truyền hình trực tiếp trên HTV9; rồi Nhịp điệu teen được phát trên VTV9, VTV4, truyền hình Lâm Ðồng, Ðồng Nai; tương tự là Ðêm sao teen… Bật tivi giờ nào cũng thấy các ca sĩ trẻ "án ngữ" trên truyền hình bằng những bài hát sôi động, vũ điệu nóng bỏng.

Ðáng nói hơn nữa là các chương trình này thường xuyên được "ưu ái", phát sóng vào giờ vàng trên màn ảnh (từ 20 giờ trở đi) và các ngày vàng trong tuần (thứ bảy và chủ nhật). Cách đây không lâu, trong hội thảo về vấn đề tính hiện đại và truyền thống của âm nhạc hiện nay, đại tá Võ Công Phước (Ðoàn nghệ thuật Quân khu 7) cũng có một nhận xét tương tự: "Cứ giờ vàng, giờ bạc, mở tivi lúc nào cũng chỉ thấy những bài nhạc trẻ na ná nhau cả về ca từ lẫn giai điệu. Chúng ta đang lạm dụng nhạc trẻ một cách vô độ trên sóng truyền hình".

Đi xem ca nhạc vì… hài

Ðó là sự thật hết sức… hài hước mà một khán giả trẻ chia sẻ cùng chúng tôi lúc đến xem chương trình Nhịp điệu trái tim vào ngày 8-10 vừa qua tại sân khấu Trống Ðồng: "Bỏ ra 200.000 đồng để mua một chiếc vé VIP nhưng mục đích duy nhất của tôi chỉ là để đến xem Tấn Beo, Tấn Bo vì nghe nói có tiết mục biểu diễn của họ, chứ sự thật nghe nhạc trẻ dạo này khiến tôi đau đầu". Cũng trong chương trình Nhịp điệu trái tim này, ngay sau khi Ðàm Vĩnh Hưng kết thúc phần trình diễn của mình, rất nhiều khán giả đã lục tục kéo về mặc cho còn đến 1/3 chương trình chưa diễn ra.

Nhiều về số lượng nhưng quá nhàm về chất lượng là cảm nghĩ chung của nhiều khán giả về các chương trình nhạc trẻ. Người trẻ đang khát một "món nhạc trẻ" có chiều sâu, cảm xúc và có phần gần gũi quen thuộc với họ chứ không chỉ là phục trang, múa máy khỏa lấp cho nội dung, những hình thức sao chép lẫn nhau như một số chương trình nhạc trẻ hiện nay đã và đang làm.

Ở góc độ người thực hiện chương trình, nhạc sĩ Quang Huy – giám đốc Công ty Thế Giới Giải Trí – chia sẻ: "Hãy nhìn thẳng vào thực tế là chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp để làm những chương trình nhạc trẻ, nhạc teen. Thật ra người trẻ không dễ bị chinh phục nếu như âm nhạc không hiểu họ một cách đúng đắn xem họ cần gì, thiếu gì. Về phía các ca sĩ trẻ, chúng ta nên thừa nhận sự nỗ lực để khẳng định bản thân của họ.

Tuy nhiên, ca sĩ trẻ bây giờ lại không xác định được mình đang hát dòng nhạc gì, cần đầu tư những gì mà cứ chạy theo trào lưu khiến khán giả nhàm chán".

MINH TRANG (Theo TTO)

Bình luận (0)