Anh có một vài chiến hữu, họ cùng đam mê nên tổ chức thành một nhóm nhạc, tháng gặp nhau một đôi lần, cùng nhau đàn hát. Địa điểm tổ chức thường là ở nhà anh. Theo lịch thì chủ nhật tới nhóm sẽ lại gặp nhau. Để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ ấy, buổi chiều, anh đem cây guitar ra trước nhà, tự đệm đàn và hát. Đang chăm chú vào mấy dây đàn thì nghe: “Chú ơi! Dạy con chơi guitar và tập con hát nha!”. Không cần ngước lên nhìn anh cũng biết đây là giọng của cháu Hiển, con chị Lành cùng xóm, là bạn cùng lớp với con trai anh – đang học lớp 9. Anh có chút kinh ngạc vì cậu bé đến nhà hình như không phải để tìm bạn học nên hỏi luôn: “Cháu tìm bạn hả? Bạn đi chơi rồi!”. “Dạ không, con tìm chú!”. “Có chuyện gì không?”, “Dạ, là chuyện con vừa nói đó ạ!”. “Cháu muốn học đàn, muốn chú dạy hát?”, “Dạ”.
Anh bảo: “Tranh thủ hè, cháu rảnh thì cuối tuần sang đây, chú dạy cho!”. “Chú đồng ý rồi đó nhé. Con sẽ học đến khi nào đàn được hát được mới thôi chứ không phải chỉ học trong hè!”. “Thế cháu không đi học à?”. “Mẹ con nói, học hết lớp 9 là được rồi, sẽ không cho con học lớp 10. Mẹ bảo, có học nữa thì mai mốt cũng kiếm một chỗ nào đó, hát hỏng, nhảy nhót, mà công việc ấy thì không cần học nhiều”. “Sao mẹ lại nói thế, cháu có biết không?”. “Vì cháu là “pê đê” mà!”.
Nghe Hiển nói, anh tròn mắt. Chuyện Hiển là “pê đê” thì anh biết lâu rồi, tới bữa cơm nào con trai anh cũng kể về cậu bạn cùng xóm, cùng lớp nói giọng mai mái, là đề tài để cả lớp chọc cười. Theo như lời kể thì Hiển quấn quýt với con anh như hình với bóng, bạn bè cùng lớp trêu “Đồ lại cái!” thì mặt Hiển đỏ lựng lên, mếu máo núp sau lưng bạn như một cô nàng yếu ớt bị ăn hiếp. Có lần anh chủ động gặp chị Lành, khuyên chị ấy hãy giải vây cho con mình bằng cách nói với cô giáo chủ nhiệm để cô có cách dàn xếp với học sinh trong lớp, để Hiển được thoải mái đi học như những đứa trẻ khác. Chị Lành cũng gật đầu đồng ý, chuyện tưởng như vậy là xong, giờ lại nghe Hiển nói mẹ không cho đi học nữa, anh đâm giận chị Lành.
Hiển thấy anh bức xúc thì mạnh dạn ngồi xuống, nói hết những ấm ức. Theo lời cháu kể thì ở trường, bạn bè thường mỉa mai, chọc ghẹo, nói những lời miệt thị nhưng rồi thầy cô nhiều lần nhắc nhở, khuyên bảo thì các bạn bắt đầu cởi mở hơn với cháu. Chuyện mặc cảm với bạn bè tuy vẫn còn nhưng không đến mức xấu hổ, chán nản, cháu còn quyết tâm học hành để sau này làm luật sư nhưng đùng một cái, mẹ bảo không nên đi học nữa. Hiển khóc ấm ức nói: “Mẹ bảo, “pê đê” thì học hành làm gì cho tốn tiền, từ xưa tới giờ, có ai là “pê đê” mà được làm ông này bà nọ đâu. Vậy là con đành nghe mẹ, đi tập đàn tập hát, biết đâu mai mốt thành công. Học hành không giúp gì cho tương lai sau này”. Anh bày Hiển nói với mẹ: “Nếu từ xưa tới giờ mẹ chưa thấy một “pê đê” nào học hành giỏi giang, làm ông nọ bà kia thì mẹ hãy đợi, con sẽ là người làm được điều đó!”.
Sau khi nghe anh kể, là một cô giáo, tôi có một quyết tâm, nhất định tôi sẽ tìm gặp chị Lành, sẽ nói để chị ấy hiểu, dù là “pê đê” thì Hiển cũng có quyền được học hành, được vui chơi, được mơ ước như tất cả những đứa trẻ khác.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt, Phú Yên)
* Ghi theo lời kể của một người bạn.
Bình luận (0)