Đối với nhà giáo Lê Minh Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học kiêm Giám đốc Quỹ khuyến học TP.HCM, kỷ niệm đáng nhớ nhất sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là cuộc hành trình trở về quê hương yêu dấu sau 20 năm trời đằng đẵng.
Nhà giáo Lê Minh Ngọc (bìa trái) thắp hương cho các nhà giáo đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ nhà giáo Chơn Thành, tỉnh Bình Phước |
Lúc ra đi nhà giáo Lê Minh Ngọc chỉ mới là một cô bé 12 tuổi nhưng sau 20 năm trở lại Sài Gòn, với tư cách là một cán bộ trong ngành giáo dục miền Bắc vào chuẩn bị lực lượng hậu bị tiếp quản nếu miền Nam được giải phóng.
1. Bà Ngọc kể: “Vốn là một cán bộ Đoàn và là một đảng viên trẻ nên tôi có tên trong danh sách đoàn cán bộ lên đường vào Nam trong những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh liên tiếp giành những thắng lợi lớn trên các mặt trận. Nhưng điều lớn lao nhất đối với tôi là được trở về quê hương phục vụ công tác sau nhiều năm học tập trên đất Bắc”. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngôi trường đầu tiên bà về tiếp quản ở quận 5, TP.HCM cũng là tên của ngôi trường Chu Văn An bà giảng dạy trước đó ở Hà Nội. Theo bà đó là một cơ duyên trong cuộc đời mà không phải ai cũng có được. Đó là Trường Trung học Chu Văn An nằm trên đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự) và đường Triệu Đà (nay là đường Ngô Quyền). Đây là ngôi trường được thành lập năm 1954 của một số GV và HS từ Trường Bưởi ngoài Hà Nội di cư vào cho đến năm 1961 mới được xây dựng hoàn chỉnh. Với cương vị là một Hiệu phó, bà Ngọc đã cùng với Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo ở lại Sài Gòn tiếp tục duy trì các lớp học. Dù khai giảng trễ hơn một tháng nhưng tất cả đều đi vào guồng máy chung một cách nhanh gọn. Thế nhưng do hệ thống giáo dục của chế độ mới thay đổi, thầy trò lại phải làm lại từ đầu về chương trình giảng dạy có nhiều thay đổi. Chuyển sang chế độ bao cấp việc trả lương hàng tháng cho GV là một bài toán nan giải cho ngành giáo dục lúc bấy giờ. Không ít người lo lắng và e ngại vì lúc bấy giờ trong trường đa số là GV nam, cho đến bây giờ bà cũng không hiểu tại sao mình đã vượt qua tất cả. GV ở lại ít nhiều còn mặc cảm với chính quyền mới, coi thường GV từ ở chiến khu ra. Công việc đầu tiên là sắp xếp lại hồ sơ còn lưu lại mấy chục năm qua để xử lý. Là cán bộ nữ nhưng biết năng động và sáng tạo nên bà đã hoàn thành tốt các hoạt động bằng mọi nỗ lực cống hiến của một người đảng viên trẻ. Hầu hết thời gian bà dành cho công việc ở trường, ngoài dạy bộ môn văn bà còn đứng lớp các bài giảng về chính trị cho GV, tối sinh hoạt đốt lửa trại tập văn nghệ cùng các em HS toàn trường. Vất vả nhưng rất vui. Công việc ở nhà may mắn có mẹ chồng và gia đình lo cả. Chính vì thế chỉ 2 năm sau bà đã được đề bạt giữ chức Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh. Một lần nữa thách thức của những ngày đầu mới giải phóng lại đè nặng lên vai người cán bộ trẻ.
Nhà giáo Lê Minh Ngọc trong chuyến tặng quà cho sinh viên nghèo tại huyện Củ Chi, TP.HCM |
2. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là ký ức ngày hai mẹ con gặp nhau trên quê hương sau 20 năm biền biệt tin tức. Bà kể, lúc nghe thường trực nói có người nhà đến tìm gặp, linh tính báo cho bà biết phải là người rất thân trong gia đình, mà người thân không ai khác chính là mẹ của mình. Cả hai lao về phía nhau đến mức người mẹ muốn chực té. Khi ôm đứa con gái duy nhất vào lòng, mẹ bà cũng không tin là cô bé 12 tuổi ngày nào giờ đã khôn lớn và đã là một cô giáo được trưởng thành trong chế độ XHCN miền Bắc. Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi hàn huyên tâm sự tưởng như không bao giờ hết chuyện. Đó cũng là thời gian mà hai mẹ con nhớ nhiều nhất về người cha đã hy sinh trong một trận càn ở vùng ngoại ô Sài Gòn. Dù không nói ra nhưng cả hai người chỉ có một mong ước gặp được người chồng, người cha thân yêu của mình trong những ngày miền Nam vừa mới giành được chính quyền. Đó cũng là một mất mát lớn của những người một lòng chung thủy đi theo cách mạng dù phải chịu hy sinh, mất mát chia ly trong đó có gia đình nhà giáo Lê Minh Ngọc.
Hòa trong niềm vui chung của đất nước, năm nay, Trường Trung học Chu Văn An (nay là Trung tâm GDTX Chu Văn An) kỷ niệm 40 năm ngày thành lập – ngôi trường đầu tiên để lại nhiều kỷ niệm đẹp đối với cuộc đời đi dạy của nhà giáo Lê Minh Ngọc (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) với bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Bất ngờ hơn trong mấy ngày của tháng tư lịch sử, cựu HS Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng đã tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày tạm biệt cô giáo Ngọc vào Nam công tác, mừng sinh nhật lần thứ 72 của “người bắc cầu kiều” cho HS nghèo đến trường. Bà Ngọc chia sẻ: “40 năm để lại cho tôi nhiều ký ức nhưng nặng lòng nhất vẫn là tình cảm của nhiều thế hệ HS đối với công ơn mà các thầy cô giáo đã dạy dỗ các em nên người”.
Hương Thủy
Bình luận (0)